Bạn đọc NGUYỄN PHƯỚC HẢI (Tây Ninh) hỏi: Tôi bị đái tháo đường, huyết áp, đã điều trị ổn định, gần đây bị suy thận giai đoạn 2. Xin bác sĩ cho biết bên cạnh dùng thuốc điều trị thì chế độ ăn như thế nào để suy thận không nặng thêm?
Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN THỊ DIỄM HƯƠNG, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), trả lời: Chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng đối với người bệnh suy thận (nhất là người chưa phải chạy thận nhân tạo) vì sẽ giúp duy trì được chức năng thận lâu dài, làm chậm diễn tiến suy thận, nguy cơ chạy thận nhân tạo. Đối với bệnh suy thận, chế độ dinh dưỡng đa phần sẽ theo nguyên tắc giảm muối, giảm kali, giảm phốt pho, giảm đạm và uống nước đúng cách.
Với người bình thường, lượng đạm cho phép mỗi ngày là 1 g/kg cân nặng. Đối với người bệnh suy thận giai đoạn 1 và 2, con số này là 0,8 g đạm/kg cân nặng. Ví dụ nếu người nặng 50 kg, lượng đạm cho phép là 0,8 x 50 = 40 g đạm/ngày. Ở giai đoạn 3, lượng đạm sẽ là 0,6 g/kg cân nặng. Ở giai đoạn 4 và 5, lượng đạm khoảng 0,4 - 0,6 g/kg cân nặng.
Lượng đạm trung bình chứa trong 100 g thịt, cá là 16 - 20 g. Như vậy, người 50 kg có thể dùng khoảng 200 g thịt, cá mỗi ngày. Người bệnh suy thận có thể lựa chọn nguồn đạm từ các loại thịt trắng như gà, cá… thay cho các loại thịt đỏ, hải sản, phủ tạng động vật… Trong rau củ quả cũng có hàm lượng protein nhất định. Ví dụ trong 100 g gạo tẻ có khoảng 8 g protein…
Nên cân đối lượng đạm trong ngày, nếu đã sử dụng đạm từ nguồn động vật thì nên hạn chế lượng đạm từ thực vật. Có thể thay cơm bằng bún tươi hoặc miến, các loại tinh bột này không chứa lượng đạm cao.
Đăng thảo luận