Dạy con vốn trăm đường khó khăn. Uốn nắn trẻ nên người trong bối cảnh mạng ảo bủa vây với "thánh chửi", "anh hùng mạng", "quan tòa bàn phím"... lại càng trắc trở, đầy thử thách
Trẻ đang làm gì trên mạng? Theo dõi người nổi tiếng nào? Có sa đà vào thú vui không lành mạnh hay rơi vào cạm bẫy tinh vi từ mạng ảo? Chúng ta có từng để tâm đến dấu vết của con trên mạng xã hội?... Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà phụ huynh nên một lần nhìn lại để không khỏi ân hận vì đã quá chủ quan, dễ dãi khi để con tự do lướt mạng.
Muôn nẻo cạm bẫy
Một thiếu nữ 14 tuổi ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thế chấp ảnh nóng, clip nhạy cảm để vay 45 triệu đồng. Đến khi không có khả năng trả nợ, số ảnh nóng đó bị tung lên mạng xã hội khiến cô và người nhà khốn đốn, khổ sở.
Câu chuyện xảy ra hơn 1 năm trước nhưng vẫn còn mang tính thời sự bởi hiện nay, không ít trẻ vì suy nghĩ nông nổi, hành xử dại khờ qua mạng mà có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục. Chưa kể mối nguy từ lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao", lời rủ rê bỏ nhà ra đi "tìm chân trời tự do" đã đẩy bao đứa trẻ sớm rời xa vòng tay bảo bọc của gia đình để phiêu dạt và chờ giải cứu khỏi "động quỷ".
Cha mẹ nên cho con tham gia các hoạt động vui chơi để hạn chế việc sử dụng điện thoại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Rồi những hành xử bạo lực, thích dùng nắm đấm, ưa kéo bè kéo cánh hỗn chiến, chuộng văng tục... diễn ra như một trào lưu.
Không gì là không thể xảy ra với những đứa trẻ nông nổi, nhận thức non nớt, kỹ năng thiếu hụt lại rất hay tò mò trong khi cái xấu hiển hiện đầy nhức nhối trên không gian mạng. Định hướng cho con, bảo vệ trẻ thế nào? Người ta đã nói nhiều đến việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng nhưng thẳng thắn nhìn vào thực tế hiện nay, không khó để thấy rằng "tấm lưới" an toàn cho trẻ trở thành công dân số thông minh đang bị thủng một mảng.
Dù Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; dù nhiều trường hợp tung tin giả, xúc phạm, sỉ nhục người khác trên mạng… đã bị xử lý nhưng "rác" trên mạng vẫn đầy rẫy. Cái xấu vẫn đập vào mắt, chui vào tai con trẻ, khiến tâm hồn chúng vẩn đục ít nhiều. Đáng nói là "tấm lưới" bị thủng xuất phát từ ngay trong chính mỗi gia đình.
Ai bảo vệ trẻ?
Thử nhìn lại, rất nhiều phụ huynh đã quá dễ dãi khi "ném" điện thoại cho con mỗi lúc trẻ quấy khóc, mè nheo; hời hợt khi giao con cho mấy kênh YouTube, TikTok "quản" giúp để rảnh tay làm việc khác mà chẳng lường được trẻ xem gì, theo dõi ai, tiếp thu luồng văn hóa nào…?
Mải miết mưu sinh hoặc ích kỷ vùi mình vào thú vui riêng, nhiều bậc cha mẹ bỏ quên con trẻ đang tuổi lớn, tuổi học đòi, để chúng tự do trên không gian ảo… Gắn chặt với điện thoại và đủ trò trên mạng, trẻ "cuồng" thế giới ảo hơn cả cuộc đời thực, không có thú vui nào khác ngoài lướt điện thoại, cũng chẳng thiết tha gì chuyện tâm sự với cha mẹ. Cứ thế, "rào chắn" bảo vệ an toàn cho trẻ lơi lỏng, mất dần tác dụng.
Thời đại công nghệ, chúng ta không thể tách biệt trẻ với điện thoại và mạng xã hội nhưng hoàn toàn có thể song hành cùng, qua đó định hướng cho con, dạy con biết bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Song song với việc cài đặt một số ứng dụng kiểm soát quyền truy cập, chặn kênh có nội dung độc hại, phụ huynh hãy nắm chắc đôi tay con bước vào hành trình trở thành công dân số thông minh.
Cha mẹ hãy phổ cập cho chính mình và con nền tảng kiến thức nhất định, hiểu biết chỉn chu trước khi truy cập mạng. Đó là các quy tắc bảo mật thông tin an toàn, kỹ năng lọc thông tin, từ chối lan truyền hình ảnh tiêu cực, tránh bình luận thiếu chuẩn mực…
Đặc biệt, trang bị cho trẻ các kỹ năng để tránh rơi vào cạm bẫy giăng mắc tinh vi trên mạng ảo. Nói rõ, nói kỹ, nói nhiều lần với trẻ về nguyên tắc không nên chia sẻ thông tin cá nhân, trao đổi hình ảnh nhạy cảm với người khác… Tạo niềm tin vững chắc cho trẻ để chúng tìm điểm tựa tâm sự những rối rắm, sẻ chia những vướng mắc gặp phải trên không gian số.
Việc xây dựng văn hóa ứng xử tử tế, văn minh trên không gian mạng và giúp trẻ trở thành công dân số thông minh rất cần sự nỗ lực miệt mài của người lớn. Không ai khác, chính cha mẹ là người "gác cổng" bảo vệ con trên không gian mạng.
Một điều không thể không nhắc đến chính là hãy cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài đời thực nhiều hơn, không lệ thuộc vào điện thoại. Dành thời gian đưa trẻ tham gia các lớp học vẽ, nhạc, múa, cờ tướng, võ, bơi lội… tại các nhà văn hóa; đi dạo, uống nước cùng con để cùng bàn về một đề tài; chơi đồ chơi xếp hình lego, đánh cờ, tô màu…
Rất nhiều hoạt động đời thực giúp gắn bó cha mẹ và con cái; đồng thời phát triển các kỹ năng của trẻ. Chỉ cần một chút kiên nhẫn và biết sắp xếp, phụ huynh chắc chắn có thể làm được điều đó.
Internet và đời thực có mối quan hệ rất mật thiết. Một đứa trẻ đủ hành trang ở đời thực cũng sẽ đủ bản lĩnh trên internet. Vì vậy, cha mẹ cần tập trung dạy con các kỹ năng phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống.
Đăng thảo luận