(NLĐO) - Cuối năm 1970, tôi chuyển công tác về quê hương tuyến lửa. Chiến tranh rất ác liệt, vận tải rất khó khăn. Tuy thế, trà vẫn có, dù là rất hạn chế.
Một phòng chức năng cũng chỉ được mua vài gói trà loại 50 gram mỗi gói. Toàn bộ là trà loại 3 và trà loại 4. Các anh có cấp chức cao, thuộc phiếu loại C thì được mua một tháng vài gói trà loại 1 hoặc loại 2.
Trà loại 1 là trà Thanh Hương, Ba Đình và trà loại 2 là trà Ngọc Sơn, Hồng Đào. Có thời gian như năm 1973, chúng tôi thiết kế công trình cho cơ quan giao tế của tỉnh. Nhờ công việc này mà phòng chúng tôi được mua một ít trà Thanh Hương, Ba Đình và Ngọc Sơn...
Tác giả Nguyễn Xuân Định
Chúng tôi nâng niu từng gói trà thơm. Ấm rửa sạch sẽ, tráng ấm bằng nước sôi, cho trà vào ấm và cho nước sôi vào. Khi lấy trà ra đã ngửi được mùi thơm, khi rót nước sôi vào mùi thơm lan tỏa mạnh hơn. Chao ôi, nâng chén trà lên mũi, chậm rãi di chuyển qua lại để ngửi mùi thơm rồi mới cho lên để môi chạm vào trà và bắt đầu nhấp một ngụm nhỏ.
Mùi thơm, vị chát rồi sau chuyển thành ngọt của trà lan tỏa từ đầu lưỡi vào đến cổ họng của người uống... Chao ôi, một cảm giác lâng lâng, thanh thản, sung sướng, rồi thanh cao được lan tỏa trong con người trong những giây phút đó..;
Vậy mà, chắc đã đến 30 năm không còn xuất hiện trà Thanh Hương, Ba Đình, Ngọc Sơn và về sau có xuất hiện trà Thanh Tâm bán tự do với loại gói chỉ 10 gram. Đây là trà đỉnh hảo hạng với cánh trà như những đoạn tăm cắt ngắn, màu trà như mốc nhưng ngon và thơm không còn gì để nói. Mười lăm năm nay tôi dùng trà Tân Cương Thái nguyên để thay thế hàng ngày nhưng vẫn nhớ không nguôi những trà Thanh Tâm, Thanh Hương, Ba Đình, Ngọc Sơn của nhà máy chè quốc doanh miền Bắc ngày ấy... Chao ôi... tình yêu và niềm vui với trà không bao giờ nguôi của tôi sẽ mãi mãi vẫn dâng đầy trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.
(Bài dự thi cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê - trà Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức).
Đăng thảo luận