Năm T. học lớp 11, một hôm có phụ huynh giới thiệu là bà ngoại của em đến xin gặp thầy hiệu trưởng để rút hồ sơ cho cháu về quê Nghệ An.

T. là học sinh giỏi nhất khối 11 của trường năm học đó. Hoàn cảnh của T. cũng khá đặc biệt, bố mất sớm, mẹ lấy chồng khác và theo chồng về quê ở Nghệ An, T. ở với ông ngoại và vợ sau của ông. Khi ông mất, T. ở chung nhà với bà và đi học bằng tiền cô ruột cho.

Mời phụ huynh T. vào phòng hỏi lý do vì sao rút hồ sơ của em, người bà của T. nói mẹ em ở quê mới sinh em bé, trong khi mẹ chồng (mới) ốm nặng không có người chăm sóc, mẹ T. muốn em nghỉ học một năm về quê chăm bà.

Nghe xong, tôi và giáo viên chủ nhiệm của em chỉ muốn... té xỉu vì vô lý. Lúc đó, chúng tôi vô cùng tức giận. Lâu nay người mẹ đã không có trách nhiệm gì với con, khi cuộc sống mới khó khăn, cớ gì lại bắt con phải san sẻ. Hơn hết, ở góc độ người thầy, chúng tôi tức giận vì phụ huynh tự quyết định tước đoạt quyền học tập, tương lai của một đứa trẻ. 

Tôi giải thích cho người bà của T. rằng có nhiều cách để giải quyết việc gia đình thay vì bắt T. phải nghỉ học, nhất là khi T. đang ở giai đoạn học tập quan trọng nhưng bà nói không có quyền quyết định. Chúng tôi lập tức gọi điện cho mẹ T., người mẹ vẫn cương quyết bắt con nghỉ và nói: "Con tôi thì tôi có quyền".

Không còn cách nào khác, ngoài phân tích góc độ tình cảm, chúng tôi phải dẫn luật và "dọa" báo cáo lên Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em, người mẹ này mới buông tha để T. tiếp tục ở lại học. Vừa qua, em đã đậu vào một trường đại học lớn.

Mỗi ngày ở trường học, chúng tôi nhận được hàng chục ý kiến, thậm chí là đòi hỏi của phụ huynh với con mình, yêu cầu nhà trường phải thế này, thế kia. Có phụ huynh yêu cầu cho con chuyển qua lớp có người yêu của con để giám sát lẫn nhau cho an tâm...

Đầu năm học nào, tôi cũng viết một lá thư gửi cho phụ huynh các khối lớp, trong những lá thư đó đều bày tỏ mong muốn nhà trường và phụ huynh phối hợp để cùng đạt được mục tiêu làm sao mang lại những gì tốt nhất cho các em. 

Khi phụ huynh đưa con vào trường thì cần tin tưởng thầy cô, bởi họ được đào tạo để giảng dạy, giải quyết, tư vấn những vấn đề xảy ra trong trường học. Trường hợp phụ huynh chưa an tâm thì cần ngồi lại với thầy cô để tìm phương án tối ưu nhất, thay vì tự quyết định. Khi phụ huynh tự quyết định, tự giáo dục vô tình làm hại một đứa trẻ.

Nhà trường cũng vậy, chúng tôi luôn đặt chủ trương phối hợp với phụ huynh, lắng nghe phụ huynh chứ không áp đặt. Bởi giáo dục là sự phối hợp của cả ba bên gia đình - nhà trường - xã hội; không phải trách nhiệm, nghĩa vụ của riêng bên nào.