2 năm "giấu bằng" làm việc trái nghề, lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Làm trái ngành học với mức lương không đủ ăn uống, đi lại, cô gái được bố đưa đi tìm việc.

Bố dẫn con đi tìm việc

Tham gia phiên giao dịch việc làm Hà Nội, ông N.T.C. (65 tuổi) cùng con gái đến tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và gần nhà. 

Ông C. chia sẻ, con gái ông tốt nghiệp đại học, chuyên ngành công nghệ chế biến nông nghiệp sau thu hoạch. Trước đó, khi định hướng con vào lĩnh vực này, gia đình nhìn nhận đây là công việc có nhiều cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, thực tế con gái ông không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. "2 năm qua, lúc thì cháu làm chuyên viên tư vấn bảo hiểm, lúc thì làm nhân viên chăm sóc khách hàng qua tổng đài điện thoại. Điều đáng nói, mức lương với công việc nào cũng chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, không đủ tiền ăn uống, đi lại", ông C. nói thêm.

2 năm "giấu bằng" làm việc trái nghề, lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng  第1张

Nhiều vị trí việc làm trống tại các phiên giao dịch việc làm (Ảnh: Hoa Lê).

Thông qua các phiên giao dịch việc làm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin, đơn vị nhận thấy các doanh nghiệp tuyển dụng đa dạng ngành nghề, nhưng tập trung chính là thương mại, dịch vụ về ăn uống, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp và tìm việc của người lao động.

Ông Thành cho biết, đơn vị mời các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ở hai phân khúc thị trường lao động (làm việc toàn thời gian, bán thời gian) để phục vụ nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là cơ hội việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Thị trường lao động trở lại bình thường như trước dịch

Thông tin về tình hình lao động, việc làm quý I, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thị trường lao động đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19.

Đó là lực lượng lao động thường giảm nhẹ so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp giảm, theo quy luật thường thấy ở quý có Tết Nguyên đán.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 1, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 52,4 triệu người (giảm 137.400 người so với quý trước và tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%. Lao động có việc làm ước tính là 51,3 triệu người, giảm 127.000 người so với quý trước và tăng 174.100 người so với cùng kỳ năm trước.

2 năm "giấu bằng" làm việc trái nghề, lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng  第2张

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động (Ảnh: Hoa Lê).

Báo cáo của Bộ này cũng nêu thực tế, trong những tháng đầu năm 2024 vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu.

Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tính đến nay, khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Để ổn định thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình sản xuất - kinh doanh, lao động, việc làm, nhất là của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.