Tỉnh An Giang đã đẩy mạnh ứng dụng số đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử thông qua các phiên chợ OCOP online và livestream bán hàng trực tuyến... nhằm giới thiệu nông sản địa phương, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, tỉnh đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 135 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 2 sản phẩm 5 sao; 16 sản phẩm 4 sao; 117 sản phẩm 3 sao của 96 chủ thể kinh tế, trong đó có 108 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận sản phẩm từ 3 sao trở lên: gồm có 2 sản phẩm 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao, 96 sản phẩm 3 sao của 80 chủ thể kinh tế.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Các sản phẩm OCOP được tỉnh An Giang đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử.Với mục tiêu là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thởi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều phiên chợ OCOP online trên sàn thương mại điện tử và livestream bán hàng trực tuyến trên nền tảng TikTok, với mục tiêu tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương.
Hưởng ứng chương trình “Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok” của Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP chuyển đổi, đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, mới đây, An Giang đã tổ chức nhiều đợt “Chợ phiên OCOP An Giang 2024” trên nền tảng TikTok nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất của An Giang, đặc biệt là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, sản phẩm đặc sản có cơ hội trải nghiệm, giao lưu, học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử qua nền tảng TikTok Shop.
Đơn cử như phiên livestream bán hàng trực tuyến trên nền tảng TikTok được tổ chức vào cuối tháng 6/2024 mới đây. Dù phiên chợ chỉ trong 4 giờ diễn ra, phiên livestream đã tiếp cận được 31,6 triệu người, đón nhận trên 17,8 nghìn đơn hàng, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, cho biết, hiện nay các mặt hàng OCOP ở địa phương rất đa dạng và giàu tiềm năng. Tuy vậy, việc tiêu thụ còn khó khăn, nhất là đối với các hộ kinh doanh ở nông thôn. Do đó, Trung tâm muốn tìm ra phương pháp hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nhanh chóng tiếp cận xu hướng người tiêu dùng, chuyển đổi phương thức bán hàng…
Trong thời đại toàn cầu hóa, thương mại điện tử là xu thế tất yếu, đồng thời là hướng đi đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp. Ở An Giang, hiện nay, một số doanh nghiệp đã chủ động tham gia thương mại điện tử qua các nền tảng như Shopee, Lazada, Sendo, Facebook, Zalo, TikTok… nhưng phần lớn còn mang tính tự phát, chưa triển khai bài bản, hiệu quả mang lại còn hạn chế. Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh ở nông thôn, việc tiếp cận với quy trình vận hành của thương mại điện tử còn khó khăn, có thể gây nản lòng.
Do đó thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã phối hợp với các sở ngành như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới… tổ chức nhiều lớp tập huấn về thương mại điện tử.
Theo đó, các doanh nghiệp được hướng dẫn về cách thức mở gian hàng, quy trình vận hành và quản lý gian hàng, hình thức vận chuyển và thanh toán, liên kết nhãn hàng, livestream bán hàng… góp phần tăng độ tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận, từ đó giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đặc biệt là góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Đăng thảo luận