TP HCMBé Diệp, 3 tháng tuổi, xuất viện hơn ba ngày đã chuyển nặng, từ Tây Ninh đến nhập cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 vì viêm phổi.
"Bé mới điều trị viêm tiểu phế quản ở viện khác, đợt này lại ho, khò khè nặng hơn, nằm ở phòng cấp cứu mấy hôm nay", mẹ bé nói, ngày 8/10. Các bác sĩ đang xét nghiệm, theo dõi thêm tình trạng suy thận, chưa tiên lượng được thời gian bé phải nằm viện.
Giường bệnh bên cạnh tại Phòng Cấp cứu, Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, con gái chị Trúc đang oằn người khóc trên tay mẹ. Bé sinh non lúc 29 tuần thai cân nặng 1,4 kg, tái phát viêm phổi nhiều đợt. Hơn một tháng qua bé chưa thể rời viện, từng phải thở máy tại khoa hồi sức, nay tình trạng đang cải thiện.
Trẻ điều trị tại Phòng Cấp cứu, Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 8/10. Ảnh: Lê Phương
Ngày 8/10, BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết nơi này đang điều trị hơn 200 trẻ, trong đó khoảng 20 bé bệnh nặng. Khoảng hai tuần nay, lượng bệnh nhân nội trú tăng khoảng 25% so với trước đó một tháng, số bệnh nhi ngoại trú cũng dần tăng ở các phòng khám.
"Bệnh hô hấp thường tăng từ khoảng tháng 9, cao điểm rơi vào tháng 11, năm nay bệnh tăng trễ hơn hai tuần so với các năm trước", bác sĩ Phong nói. Những khi cao điểm, lượng bệnh ở khoa có thể lên đến 350-400.
Các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa - điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, sau khi tựu trường, số bệnh nhân thường tăng do sự lây lan trong môi trường lớp học. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là các siêu vi thông thường như rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), adeno, cúm mùa...
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lượng trẻ nhập viện do bệnh lý hô hấp cũng tăng khoảng hai tuần nay. Trong đó, bệnh viêm tiểu phế quản tăng nhẹ, với khoảng 4.700 ca mắc kể từ đầu năm. Bệnh này thường khoảng 5.000 nhập viện ca mỗi năm.
Hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ghi nhận trung bình mỗi tuần, thành phố có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính. Diễn tiến bệnh dao động theo mùa, số ca thường thấp vào tháng 2-3 và cao nhất trong khoảng tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca mỗi tuần. Trong đó, số ca bệnh là trẻ em chiếm khoảng 60%.
Phần lớn trẻ nhập viện dưới 5 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 3 tuổi, bởi đây là nhóm có hệ miễn dịch còn yếu, khả năng chống chọi bệnh tật kém. Hầu hết trẻ nhập viện do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Các triệu chứng thường gặp là ho, sốt, nặng hơn là khó thở. Nhiều trẻ cần hỗ trợ hô hấp như thở oxy, CPAP, thở máy...
Phụ huynh và trẻ chờ khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 8/10. Ảnh: Lê Phương
Các bác sĩ dự báo bệnh nhi hô hấp tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để giải quyết quá tải, các bệnh viện nhi đang tăng phòng khám, mở rộng các khoa để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý vấn đề dinh dưỡng, bù đủ nước, nước trái cây, điện giải cho trẻ trong mùa này, tránh để thiếu nước. Giữ vệ sinh môi trường xung quanh trẻ, tránh nơi có khói thuốc lá, nơi đông người. Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
Trẻ vẫn có thể nằm điều hòa, song cần duy trì nhiệt độ phòng trên 25 độ, vệ sinh máy lạnh định kỳ. Chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Khi trẻ có triệu chứng như ho, sổ mũi, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được thăm khám, xử trí kịp thời, không tự ý điều trị để tránh diễn tiến nặng. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu như trẻ khó thở, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái...
Nhóm trẻ có khả năng mắc bệnh hô hấp nặng là trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ có một số bệnh lý bẩm sinh (như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh), các bệnh lý thần kinh cơ (như bại não), suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, có bất thường về nhiễm sắc thể do hội chứng Down... Cần cho các trẻ này đến cơ sở y tế khám ngay khi có dấu hiệu viêm phổi.
Lê Phương
Đăng thảo luận
2024-12-29 09:35:18 · 来自36.61.70.247回复