Chính quyền quân sự ở Myanmar đang phải đối mặt với các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận ở vùng biên giới từ liên minh nhiều nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số.
Các binh sĩ quân đội Myanmar đầu hàng Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF) ở Loikaw, Myanmar, ngày 15-11 - Ảnh: REUTERS
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 27-10, khi giao tranh giữa quân đội Myanmar và 3 nhóm vũ trang sắc tộc nổ ra trên khắp bang Shan, dẫn đến bước ngoặt đầu tiên là quân đội nước này đã mất quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược giáp với Trung Quốc.
Vì sao có giao tranh?
Ngày 27-10, "Liên minh 3 anh em" gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA) khởi động chiến dịch 1027, tấn công vào một số đồn quân sự ở phía bắc bang Shan.
Myanmar: Cuộc chiến bị lãng quên
Giao tranh ở Myanmar lan sát biên giới Trung Quốc
Liên minh cho biết mục tiêu của họ là "bảo vệ mạng sống của dân thường, khẳng định quyền tự vệ, duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và phản ứng kiên quyết trước các cuộc tấn công đang diễn ra của chính quyền (quân sự)".
Liên minh cũng thể hiện quan điểm đối lập với chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời tuyên bố chống lại các trung tâm lừa đảo cờ bạc trực tuyến ở biên giới với Trung Quốc. Các trung tâm này tập kết hàng ngàn người nước ngoài, trong đó có nhiều người bị giam giữ trái phép.
Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, đã kêu gọi chấm dứt giao tranh, đồng thời gây sức ép để chính quyền Myanmar trấn áp hoạt động lừa đảo mà nhiều người Trung Quốc là nạn nhân.
Chiến dịch 1027 ảnh hưởng tới đâu?
Mặc dù giao tranh đã nổ ra ở nhiều khu vực của Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, quy mô cuộc tấn công của Liên minh 3 anh em được cho là thách thức lớn nhất đối với chính quyền.
Điều quan trọng là Liên minh 3 anh em còn có sự ủng hộ từ các thành viên Lực lượng phòng vệ nhân dân. Đây là phong trào do phe đối lập Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG) hỗ trợ.
Phe phản đối chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố thành lập NUG vào tháng 4-2021, song song với việc biểu tình ở nhiều nơi.
Việc này cho thấy mức độ bài bản của việc lên kế hoạch và hoạt động phối hợp chưa từng thấy kể từ ngày xảy ra đảo chính.
Người Myanmar chạy trốn chiến sự, ngồi trong trại tị nạn ở thị trấn biên giới Zokhawthar, huyện Champhai, thuộc bang Mizoram, phía đông bắc Ấn Độ, ngày 15-11 - Ảnh: REUTERS
Chính quyền quân sự lung lay?
Hãng tin Reuters trích dẫn các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự đoán chính quyền quân sự có suy yếu do cuộc binh biến lần này hay không.
Các tướng lĩnh Myanmar đã nắm quyền đất nước trong 6 thập kỷ qua, dù chính quyền dân cử vẫn tồn tại trước đảo chính năm 2021. Quân đội nước này đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát từ trung ương tới các cuộc nổi dậy ở vùng biên giới.
Tuy nhiên, chiến dịch 1027 được cho là đang làm khó quân đội Myanmar, vốn được trang bị tốt. Các phiến quân đang khai thác lỗ hổng an ninh của một số khu vực biên giới, tranh thủ phản ứng chậm chạp của chính quyền và tận dung các đồn bốt, vũ khí, đạn dược và cả xe bọc thép mà quân đội bỏ lại.
Theo Reuters, diễn biến hiện tại khiến chính quyền quân sự Myanmar không có lựa chọn nào ngoài thừa nhận họ đang bị thách thức.
Diễn biến tiếp theo ra sao?
Với việc đang bị thách thức, chính quyền quân sự được cho là sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar và ngừng bắn ở Gaza
Chiến đấu cơ của quân đội Myanmar bị bắn rơi gần biên giới với Thái Lan
Tích cực bảo hộ công dân Việt Nam ở Myanmar
Quân đội Myanmar có hỏa lực và nguồn lực vượt trội, bao gồm cả khí tài trên không và pháo binh, và có thể sẽ cố gắng phản ứng quyết định để đè bẹp cuộc nổi dậy.
Lúc này, quân đội sẽ phải quyết định nơi họ triển khai khí tài và tấn công.
Lực lượng an ninh vốn đã bị căng thẳng bởi phe đối lập có vũ trang rộng khắp và phản ứng mạnh mẽ trên một mặt trận có thể khiến mặt trận khác bị khai thác.
Giao tranh kéo dài sẽ thử thách sức bền và kho vũ khí của cả hai bên. Một kịch bản có thể xảy ra là chính quyền quân sự mất quyền kiểm soát một số khu vực biên giới, mặc dù vẫn nắm quyền ở trung ương.
Đây được cho là kết quả có lợi cho các nước láng giềng Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc, vốn lo ngại về sự bất ổn và nguy cơ xảy ra khủng hoảng người tị nạn.
Đăng thảo luận