Chuyên gia cảnh báo ngành nghề có nhiều tiền chưa chắc đã thành công
(Dân trí) - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết xu hướng nghề nghiệp mới đòi hỏi rất nhiều ở sự am hiểu thị trường, chấp nhận áp lực chứ không phải cứ có tiền là được.
Thông tin trên được ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, chia sẻ tại Ngày hội "Hướng nghiệp, tuyển sinh" lần 12 được tổ chức tại TPHCM ngày 2/3.
Về xu hướng lao động khởi nghiệp, tự tạo việc làm, ông Anh Tuấn cho biết, có khoảng 30% bạn trẻ có ước mơ nhưng chưa thực sự phát triển dù chính sách quốc gia đang rất tốt.
Đó là khởi sự kinh doanh, dùng ý chí sáng tạo để kinh doanh nghề nghiệp, trở thành người làm chủ, tạo doanh nghiệp riêng cho chính mình.
Dù vậy, với xu hướng này, đòi hỏi người khởi nghiệp phải am hiểu thị trường, chấp nhận áp lực chứ không phải cứ có tiền là được.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Một điều quan trọng được ông Anh Tuấn tư vấn cho học sinh đó là thái độ thể hiện qua tinh thần kỷ luật, sự nghiêm túc, đạo đức nghề nghiệp trong công việc. Đây là điều rất quan trọng nhưng rất nhiều người trẻ coi thường.
"Thế hệ trẻ bây giờ cứ cho rằng có lương cao, việc nhẹ nhàng là thành công. Thật ra cái thành công đó chỉ là nhất thời. Nếu các em không đảm bảo được uy tín xã hội, kỷ cương trong mọi lĩnh vực thì sẽ không thành công về lâu dài. Chưa kể, các em sẽ làm việc với các cỗ máy, công cụ... nếu thờ ơ, tự do, không có kỷ luật thì chắc chắn sẽ thất bại", ông Anh Tuấn nói.
Về tổng thể thị trường, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận xét Việt Nam, trong đó có TPHCM, đang trong giai đoạn khắc phục những khó khăn về kinh tế những năm trước, tạo đà khởi sắc năm 2024 và mở rộng từ 2025 cũng như các năm tiếp theo ở mức độ ổn định hơn.
Đối với thị trường lao động, nền tảng lao động truyền thống của thị trường vẫn còn, nhưng sẽ có nhiều thay đổi. Dễ thấy nhất là sự tác động của công nghệ số, chuyển đổi số. Việt Nam đang lấy chuyển đổi số làm mục tiêu thực hiện đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
"Trí tuệ nhân tạo đang tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động. Nó làm thay đổi lực lượng, cơ cấu lao động các ngành nghề và bắt buộc nguồn lực phải phù hợp với công cuộc chuyển đổi số. Điều này dẫn đến học sinh phải chọn ngành, chọn nghề phù hợp để trở thành nguồn nhân lực phù hợp", ông Anh Tuấn nói.
Ngày hội thu hút trên 20 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hơn 3.200 học sinh đến từ các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tham gia (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Về xu hướng việc làm trong thời gian tới, ông Anh Tuấn nhận định sẽ đi theo 4 hướng chính, bao gồm: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; Lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; Xu hướng lao động "khởi nghiệp, tự tạo việc làm" phát triển hơn.
Trong đó, thị trường việc làm, đặc biệt tại các khu đô thị tại TPHCM sẽ gia tăng nền tảng công nghệ, gắn với công nghệ, có 68% việc làm đã được đo lường là gắn với mảng này. Một số lĩnh vực ngành nghề truyền thống sẽ bị giảm tải và mất đi, trong khi đó, nhiều việc làm tương tác với công nghệ sẽ mở ra.
Tương ứng với điều này, nhiều người sẽ phải rời khỏi thị trường lao động và chỗ trống việc làm sẽ rất nhiều. Điều quan trọng là học sinh cần có lựa chọn ngành học phù hợp để có đủ năng lực bước vào hay không.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng các em có thể đi làm nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài... Nhưng tất nhiên, điều bắt buộc là phải có những điều kiện đi kèm, không phải cứ có bằng cấp là làm được.
"Các em phải đảm bảo năng lực nhất định ở từng vị trí việc làm, đảm bảo kỹ năng, thái độ, ngoại ngữ... Từ đó, các em có thể dịch chuyển lao động sang các nước khác vì là công dân toàn cầu; cũng có thể làm việc trực tiếp trên hệ thống điện tử...", ông Tuấn nói thêm.
Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động cũng là một lựa chọn có thể ngắm tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh đừng nghĩ xuất khẩu lao động là không cần học.
Ông Anh Tuấn đánh giá, hiện nay, việc xuất khẩu lao động chuyển đổi ở tầm thế giới, người lao động cần trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức du học vừa học vừa làm để cạnh tranh với lao động thế giới ở nguồn nhân lực bậc cao.
Nếu xuất khẩu lao động tầm thấp, không yêu cầu trình độ cao, các em vẫn có việc làm và thu nhập, nhưng khi trở về vẫn chỉ ở tầm thấp, không phù hợp với xu hướng, nhu cầu phát triển của xã hội.
Các đơn vị tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, chia sẻ hoạt động hướng nghiệp ngày càng được xã hội quan tâm, nhất là phụ huynh và các em học sinh.
Để tự xác định và tìm được một ngành, nghề phù hợp với mong muốn của bản thân cũng như yêu cầu phát triển của xã hội là một điều không hề đơn giản, thậm chí là rất khó khăn với các em học sinh bậc THCS, THPT.
Ông khuyên học sinh tham gia các chương trình thiết thực như làm bài trắc nghiệm về xu hướng nghề của bản thân; giao lưu, trao đổi trực tiếp với chuyên gia; tìm hiểu và tư vấn hướng nghiệp trực tiếp tại các gian hàng...
Việc này giúp các em tự chủ hơn trong việc tìm hiểu và chọn ngành nghề trên cơ sở phù hợp giữa năng lực, sở thích cá nhân với nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và giảm thiểu chi phí xã hội.
Đăng thảo luận