Giáo viên hợp đồng chỉ nhận 6 triệu đồng/tháng so với 20 triệu đồng của giáo viên biên chế
Sau 4 năm giảng dạy tại TP Hồ Chí Minh, cô giáo Nguyễn Thị Dung đã quyết định trở về quê hương Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Dù sinh ra và lớn lên tại đây, cô Dung vẫn gặp nhiều thách thức khi công tác tại một xã đặc biệt khó khăn.
Hiện cô dạy theo diện hợp đồng ngắn hạn theo Nghị định 111 năm 2022, với mức lương hơn 6 triệu đồng và chỉ 9 tháng hợp đồng. Dù yêu nghề và chọn gắn bó với vùng sâu, cô vẫn mong muốn Nhà nước có điều chỉnh phù hợp để cải thiện điều kiện cho giáo viên hợp đồng và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục ở những khu vực khó khăn.
Dù yêu nghề và chọn gắn bó với vùng sâu, vùng xa, nhưng mong muốn lớn nhất của nhiều giáo viên hợp đồng là Nhà nước có điều chỉnh phù hợp để cải thiện điều kiện sống.
"Ở vùng 3 như thế này, giáo viên chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Khi em về quê, với nhiệt huyết và tình yêu quê hương, em tin mình sẽ làm được. Em hy vọng chính quyền quan tâm hơn đến giáo dục địa phương vì điều kiện ở đây còn rất khó khăn. Em rất mong hợp đồng có thể kéo dài hơn, khoảng 12 tháng, để kinh tế ổn định, giúp tụi em yên tâm công tác," cô Dung mong mỏi.
Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thùy (SN 1999 trú tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã lựa chọn về công tác tại Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã vùng 3 Đắk Ngo, huyện biên giới Tuy Đức (thuộc diện hợp đồng theo Nghị định 111 năm 2022). Hơn một năm nay, cô Thùy không chỉ phải dạy tăng tiết mà còn kiêm nhiệm thêm môn Toán do trường thiếu giáo viên trầm trọng. Công tác tại ngôi trường xa nhà (cách hơn 50km), gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn, cô giáo trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực. Dù vậy, mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng và hợp đồng kéo dài 9 tháng vẫn chưa đủ đảm bảo cho cuộc sống của cô.
Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thùy (SN 1999 trú tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã lựa chọn về công tác tại Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã vùng 3 Đắk Ngo, huyện biên giới Tuy Đức.
"Hiện tại, hợp đồng chỉ kéo dài 9 tháng trong năm học, nên thực sự rất khó khăn. Nhà em ở Gia Nghĩa, cách trường hơn 50km, mà thu nhập lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Em hy vọng sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như phụ cấp xăng xe. Đồng thời, em cũng mong rằng sẽ sớm có thêm giáo viên, vì hiện tại trường đang thiếu hụt nhiều," cô Thùy chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức), cho biết có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế tại trường. Là trường thuộc xã vùng 3, giáo viên biên chế hiện nay được hưởng phụ cấp 70%, (phụ cấp ưu đãi theo nghề) cùng mức thu hút ban đầu tương đương 10 tháng lương cơ bản (trợ cấp lần đầu khi nhận công tác), cộng thêm phụ cấp 70% (phụ cấp thu hút) trong 5 năm đầu. Giáo viên có thâm niên 5-10 năm nhận phụ cấp 0,5; 10-15 năm là 0,7; và từ 10-15 năm sẽ được hưởng phụ cấp 1,0.
Do đó, những giáo viên biên chế có thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên hợp đồng chỉ hơn 6 triệu đồng, và chỉ được trả lương trong 9 tháng.
Việc ký hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 chỉ là giải pháp tạm thời, và về lâu dài, Trung ương cần nhanh chóng bổ sung chỉ tiêu biên chế để đảm bảo việc dạy và học ở địa phương.
Ông Nguyễn Thế Hiệt cho rằng, việc thu hút giáo viên đến dạy tại các trường vùng sâu đã khó, nhưng giữ chân họ càng khó hơn. Do đó, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh để đảm bảo cuộc sống ổn định cho các giáo viên trẻ công tác ở vùng khó khăn.
"Hiện trường thiếu 8 giáo viên, đã hợp đồng được 5 người theo Nghị định 111. Các thầy cô đều mong muốn cống hiến và gắn bó lâu dài với nhà trường. Về lâu dài, hy vọng sẽ được cấp thêm biên chế để giáo viên hợp đồng có thể thi tuyển chính thức và tiếp tục đồng hành cùng nhà trường," ông Nguyễn Thế Hiệt chia sẻ.
Giáo viên hợp đồng cần được hỗ trợ để gắn bó với nghề
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT Đắk Nông, cho biết tỉnh thiếu gần 1.600 biên chế giáo viên trong năm học này, ảnh hưởng lớn đến việc dạy học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Để tạm giải quyết, tỉnh đã giao 622 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 111 năm 2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, hợp đồng 9 tháng với thu nhập thấp chưa đủ đảm bảo cuộc sống, khiến việc thu hút giáo viên, đặc biệt cho các môn như tin học và tiếng Anh, gặp khó khăn. Theo ông Phan Thanh Hải, vấn đề này đang được tỉnh chỉ đạo xem xét, điều chỉnh cho phù hợp hơn.
"Khi thực hiện hợp đồng theo Nghị định 111, mức lương hiện tại chưa đủ để thu hút và khuyến khích giáo viên hợp đồng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh ủy, Hội đồng và UBND tỉnh đang định hướng xây dựng một Nghị quyết nhằm tạo ra các chính sách thu hút đặc thù cho giáo viên công tác tại các khu vực khó khăn này", ông Phan Thanh Hải cho biết.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT Đắk Nông, cho biết tỉnh thiếu gần 1.600 biên chế giáo viên trong năm học này, ảnh hưởng lớn đến việc dạy học, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, năm học 2024-2025, toàn tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu 1.545 biên chế giáo viên, đặc biệt nghiêm trọng ở bậc tiểu học với 699 giáo viên. Việc thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy mà còn khiến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không thể mở lớp mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi. Đặc biệt, các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tin học và tiếng Anh cũng không thể triển khai đúng quy định.
Điều đáng lo ngại là dù tỉnh đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng vẫn phải đối diện với việc tinh giản biên chế. Năm 2024, tỉnh được giao bổ sung 316 biên chế, nhưng lại phải tinh giản 323 người, dẫn đến thâm hụt 7 biên chế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, nhấn mạnh việc ký hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 chỉ là giải pháp tạm thời, và về lâu dài, Trung ương cần nhanh chóng bổ sung chỉ tiêu biên chế để đảm bảo việc dạy và học ở địa phương.
"Hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 ngày 30/10/2022 của Chính phủ được quy định không vượt quá 70% tổng biên chế thiếu hụt. Tuy nhiên, Trung ương đã khuyến cáo rằng việc ký hợp đồng chỉ là giải pháp tạm thời. UBND tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục để tham mưu cho Chính phủ về việc bổ sung biên chế, nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên một cách lâu dài", bà Nguyễn Thị Thu Hường cho biết.
Việc thiếu hụt giáo viên không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy mà còn khiến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không thể mở lớp mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.
Dạy học ở vùng sâu, vùng xa luôn là một lựa chọn đầy thách thức, nhưng với tình yêu nghề và sự tận tâm, nhiều thầy cô vẫn kiên trì cống hiến, mang tri thức đến cho học sinh tại Đắk Nông. Tuy nhiên, việc Trung ương chưa thể bố trí đủ chỉ tiêu biên chế đã khiến các giáo viên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần sớm xem xét để có chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp thầy cô yên tâm gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận