Thế giới đang thay đổi, chìa khóa để giới trẻ cạnh tranh toàn cầu là học tập suốt đời, theo GS Klaus Schwab.
GS Klaus Schwab, Chủ tịch và là người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 6/10 có cuộc giao lưu với sinh viên các trường đại học tại TP HCM.
Với chủ đề "Kinh tế tri thức - nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ", ông nhắc đến kỷ nguyên trí tuệ và dự đoán thế giới sắp bước vào một thời đại mới. Thời đại này dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa sẽ biến đổi các ngành công nghiệp, tái định hình thương mại và tác động đến cấu trúc xã hội theo những cách chưa từng có.
GS Klaus Schwab cho rằng với thế mạnh sẵn có về giáo dục, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng số. Ngoài ra, hợp tác với các công ty tư nhân trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục (edtech) có thể giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
GS Klaus Schwab trò chuyện với sinh viên, công dân trẻ tại TP HCM, sáng 6/10. Ảnh: HSU
Khi Nguyễn Hoàng Quang Vinh, sinh viên Đại học Hoa Sen, hỏi cần chuẩn bị những gì để cạnh tranh toàn cầu, ông cho rằng chìa khóa nằm ở việc học tập trọn đời.
"Các bạn sắp bước chân vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, và một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà các bạn cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời", ông nói.
Ông nhìn thấy Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt là các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Chiến lược Giáo dục Quốc gia đến năm 2030 nhấn mạnh việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục. Nhưng mỗi sinh viên cần tự nhận thức trách nhiệm với việc học của mình. Học tập không chỉ dừng lại trên ghế nhà trường, những ai sẵn sàng thích nghi, phát triển và học hỏi mới có thể thành công.
"Các bạn cần chủ động tìm kiếm cơ hội tự rèn luyện, chẳng hạn như thông qua các nền tảng trực tuyến, các khóa đào tạo chuyên nghiệp, thậm chí là tự học", Chủ tịch WEF khuyên sinh viên.
Một thách thức mà thế hệ trẻ phải đối mặt, theo Chủ tịch WEF là việc sử dụng công nghệ một cách đạo đức và có trách nhiệm. Họ cần định hình những quy tắc đạo đức liên quan đến quyền riêng tư, an ninh mạng, sử dụng AI thế nào để nâng cao niềm tin và sự công bằng.
Lệ Nguyễn
Đăng thảo luận