Những người làm cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ, bình tĩnh chấp nhận bản dạng giới của con bởi đồng tính không phải bệnh nên không có thuốc chữa, không phải tâm thần nên không có liệu pháp tâm lý nào có thể thay đổi.
Các bạn trong cộng đồng LGBT+ tham gia diễu hành trong khuôn khổ chương trình Vietpride 2024 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Khó chấp nhận nhưng không phải không thể…
Nhọc nhằn hành trình come out (công khai)
Sau thời gian dài cân nhắc, đắn đo việc có nên nói thật về giới tính bản thân với ba mẹ hay không, Hoàng Duy (30 tuổi, ở Đồng Nai) đã trầm cảm nặng.
Lần đó về nhà vào dịp Tết cách đây 2 năm, ba Duy đã hỏi thẳng Duy về chuyện họ hàng, chòm xóm đồn là trên thành phố Duy có nhiều mối quan hệ đồng tính. Họ còn khuyên ông phải quản lý chặt Duy vì trong giới đó khá phức tạp và nguy hiểm.
"Thấy cơ hội thuận tiện, cũng là để trút bỏ gánh nặng hơn 10 năm qua, tôi đã nhìn nhận tất cả. Vậy là tất cả chén dĩa trên bàn bị tuôn hết xuống đất trong sự giận dữ lẫn bất lực của ba tôi. Ông tuyên bố từ mặt tôi.
Còn mẹ thì khóc lóc, van nài rồi bắt tôi đi "chữa bệnh" để sớm có con nối dõi tông đường. Khi không thay đổi được tình thế, bà chuyển sang đi xem bói, cúng bái đủ kiểu" - Duy ngán ngẩm tâm sự.
Không thể thuyết phục ba mẹ, lại thêm các anh chị trong nhà thường xuyên mắng mỏ, chê bai khiến Duy bị stress nặng, mất ngủ thường xuyên, tìm đến chất kích thích, đôi lần nghĩ đến chuyện tự tử.
TIN LIÊN QUANBệnh viện Nhi đồng 2 cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính cho hơn 100 trẻ em
Julia Fox xin lỗi 'cánh đàn ông', công khai là đồng tính nữ
Lan Chi (27 tuổi, đang làm giáo viên thể dục ở Hà Nội) nhìn nhận mình đồng tính nữ. Bố mẹ và các anh chị trong gia đình ở quê đều công tác trong ngành giáo dục, có tiếng tăm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, mẹ dự định xin cho Chi vào một trường cấp 2 gần nhà. Nhưng vì không muốn công khai giới tính, Lan Chi lên Hà Nội để dạy học, chấp nhận xa gia đình.
Lan Chi tâm sự: "Tôi vẫn để tóc dài, ăn mặc, nói năng, hành động như phụ nữ nên ít người nhận ra giới tính thật. Một năm tôi về nhà khoảng hai lần vì không muốn phải đối diện với bố mẹ, sợ họ phát hiện ra bí mật này.
Bố mẹ tôi là người truyền thống, tư tưởng cứng nhắc và khắt khe nên sẽ khó chấp nhận chuyện tôi không phải gái thẳng. Không những thế, với địa vị của bố mẹ ở quê, tôi sợ chuyện này có thể ảnh hưởng tới thanh danh ông bà".
Nỗi lòng các đấng sinh thành
Vợ chồng ông Văn Hữu (65 tuổi, ở Kiên Giang) đã từng quyết liệt phản đối, thậm chí còn đòi từ mặt, khi con gái đầu của ông dẫn một cô gái khác về ra mắt để cưới làm vợ. Ông Hữu quả quyết: "Bên Tây, bên Tàu làm sao không cần biết nhưng ở xứ này thì đó là chuyện bại hoại gia phong. Trách cổ hủ thì chịu, chớ tui không bao giờ đồng ý".
Chiều lòng ba má, cô chấp nhận lấy một người chồng Đài Loan thông qua mai mối. Nhưng cuộc hôn nhân đó cũng chỉ kéo dài được 2 năm rồi cũng tan đàn xẻ nghé. Về lại Việt Nam, Cúc công khai giới tính rồi tự tổ chức cưới vợ ở thành phố, bỏ ngoài tai những lời dị nghị, đàm tiếu của người thân, họ hàng…
Khi cậu con trai độc nhất của mình công khai thừa nhận là "gay", cô Bạch Vân (59 tuổi, ở Hà Tĩnh) cảm thấy đất trời như đang sụp đổ. Mặc dù trước đó cô đã lờ mờ nhận ra sự khác lạ của con mình khi đọc được những dòng nhật ký kèm theo tấm ảnh một người bạn trai nào đó.
"Đó là khoảng thời gian tôi như điên như khùng, bằng mọi cách mọi thủ đoạn tác động đến con. Từ nhẹ nhàng khuyên nhủ cho đến dùng những biện pháp mạnh can thiệp, gây áp lực để mong thay đổi được nó. Tuy nhiên tất cả chỉ khiến không khí gia đình càng thêm căng thẳng, bức bối. Tình cảm giữa hai mẹ con từ thân thiết trở thành lạnh nhạt, thậm chí là đối đầu, công kích lẫn nhau", cô Vân kể lại.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi cô quyết định tham gia PFLAG (tổ chức kết nối phụ huynh, gia đình và những ai ủng hộ cộng đồng LGBTQ+) sau lần phát hiện cậu con trai định tự tử.
"Nhờ được gặp gỡ, trao đổi với những người có chuyên môn, những bà mẹ cùng cảnh ngộ đã giúp tôi thay đổi nhận thức. Hóa ra mọi thứ không hề ghê gớm như mình đã từng suy diễn. Là do tôi thiếu hiểu biết nên đã hành xử không đúng cách. May mà còn có thể thay đổi trước khi mọi thứ quá muộn", cô Vân như nói với chính mình.
Nhận thức của xã hội về cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới đã thay đổi - Ảnh: THANH HIỆP
Come out thời điểm thích hợp
Come out là một cuộc đấu tranh tâm lý rất vất vả của người đồng tính, đặc biệt khi đứng trước gia đình. Hành trình này làm phát sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bởi đa phần người thân, nhất là cha mẹ, sẽ khó lòng chấp nhận ngay, thậm chí nhiều trường hợp xung đột mạnh mẽ, đẩy người đồng tính vào tình thế bế tắc, tìm đến cái chết.
Trong khi đó, sự chấp nhận và ủng hộ của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng, nhất là với người đồng tính trẻ.
Mặt khác, khi người đồng tính phải che giấu thân phận, không được thỏa mãn nhu cầu sống đúng với con người thật, họ có nguy cơ gặp các bức bối giới, dễ phát triển thành các rối loạn tinh thần khác như trầm cảm, lo âu.
Gia đình có vai trò rất quan trọng trong hành trình come out của những người LGBTQ+ (là một từ viết tắt từ chữ đầu, thay thế cho cho Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái),
Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân). Dấu cộng đại điện cho sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng.
Việc công khai bản dạng giới (gender identity) và xu hướng tình dục (sexual orientation) giúp họ sống hạnh phúc, cởi mở và trọn vẹn hơn, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần.
Ngược lại, những người phải che giấu bản ngã thật có thể đối mặt với cảm giác căng thẳng, bị cô lập, tự làm hại hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
Những tín hiệu tích cực
Theo kết quả của nghiên cứu "Đánh giá tác động kinh tế của chính sách hôn nhân cùng giới tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) công bố trước đây (2021), tỉ lệ người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam chiếm từ 9% đến 11% dân số nước ta.
Cộng đồng này đang ngày càng được nhìn nhận là những thành viên tự nhiên, bình đẳng và đầy đủ của xã hội.
Nhận thức của xã hội về cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới đã thay đổi. Xã hội bắt đầu hiểu rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới là một yếu tố tự nhiên, không thể lựa chọn. Cộng đồng LGBTQ+ cũng có quyền sống bình đẳng như những người khác. Điều này được thể hiện qua một số thay đổi cụ thể như sự tham gia của cộng đồng LGBTQ+ vào các lĩnh vực xã hội, kinh tế ngày càng nhiều hơn.
Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy tỉ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới ở Việt Nam ở mức 65%, cao thứ ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Úc (75%) và Nhật (68%). Cách đây 10 năm, tỉ lệ ủng hộ chỉ ở mức 36%, theo khảo sát do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tiến hành phỏng vấn 5.297 người tại 8 tỉnh thành.
Hiểu đúng để cảm thông
Chúng ta nói nhiều về câu chuyện nỗi buồn của những người LGBTQ+ nhưng dễ bỏ qua nỗi buồn của những người làm cha làm mẹ.
Điều khó khăn của một người cha mẹ có con LGBTQ+ không chỉ nằm ở việc chấp nhận đứa con, họ còn cần phải chấp nhận chính mình là cha mẹ của một người đồng tính hay chuyển giới. Nhiều người thảng thốt, bàng hoàng, đau khổ, khó chấp nhận hiện thực. Nếu những cảm xúc đó giày vò cha mẹ một thì chính các con phải chịu đựng gấp trăm lần.
Theo các chuyên gia, những người LGBTQ+ phải chịu nhiều tổn thương và nguy cơ về sức khỏe tâm thần hơn so với dân số chung. Trong số 35.000 người trẻ trong cộng đồng LGBTQ+ tham gia khảo sát cấp quốc gia tại Việt Nam trong năm 2021, 42% từng cân nhắc tới việc tự tử.
Để đồng hành với các con, thay vì thể hiện như đất trời sụp đổ, cha mẹ hãy cho con một cái ôm thể hiện sự lắng nghe, đồng cảm. Những người cha, người mẹ đừng gán nhãn việc mình có con LGBTQ+ có nghĩa là mình thất bại trong việc nuôi dạy con cái và làm cha mẹ. Cha mẹ cần biết rằng đồng tính chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tình dục.
Người đồng tính vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường, có tương lai và cuộc sống như bao người khác. Thay vì không chấp nhận cùng với việc giám sát và cấm đoán con, cha mẹ nên cố gắng vượt qua định kiến để tạo cho con một môi trường an toàn tinh thần.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự yêu thương và tôn trọng từ gia đình sẽ là chỗ dựa, bệ đỡ cho đời sống tinh thần của những người LGBTQ+, không đẩy họ vào tình huống phải chủ động tìm đến điều tiêu cực.
Đăng thảo luận