GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata nhận định Việt Nam đứng trước cơ hội mở ra kỷ nguyên mới, đưa AI tạo sinh ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, tại AI4VN 2024.
Làn sóng AI tạo sinh thứ hai
Làn sóng AI tạo sinh đầu tiên đã mang đến những công cụ đột phá, thay đổi cách tiếp cận các công việc đơn giản. ChatGPT giúp chatbot trò chuyện tự nhiên. Gemini chứng minh AI có thể sáng tác thơ và nhạc. Các mô hình như Llama hỗ trợ các nhiệm vụ hàng ngày như soạn email, tạo thuyết trình và viết code, làm mờ ranh giới giữa con người và máy móc.
GS Vũ Hà Văn cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để mở ra một kỷ nguyên mới nếu làm chủ được AI tạo sinh. Ảnh: Vingroup
Các chuyên gia dự đoán làn sóng AI tiếp theo sẽ tập trung vào ứng dụng AI trong doanh nghiệp, sử dụng Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và dữ liệu nội bộ để phát triển các giải pháp tùy chỉnh. Làn sóng này có thể nâng cao khả năng ra quyết định của doanh nghiệp, xử lý dữ liệu lớn, phân tích xu hướng và tạo báo cáo chi tiết hỗ trợ chiến lược và hợp tác.
Với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng hay bảo hiểm, AI có thể cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Với ngành sản xuất, các doanh nghiệp sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình, dự đoán thị trường. Với bán hàng và marketing, AI có thể phân tích hành vi khách hàng, đưa ra các khuyến nghị mang tính chiến lược.
"Làn sóng đầu tiên đã mở đường bằng cách chứng minh khả năng của Gen AI trong các tác vụ hàng ngày, giúp cuộc sống thuận tiện hơn", GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup) nói trong tham luận của Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2024. "Giờ đây, khi chuẩn bị đón làn sóng thứ hai, chúng ta đang đứng trước cơ hội mở ra kỷ nguyên mới, nơi AI tạo sinh sẽ trở thành công cụ không thể thiếu trong quá trình ra quyết định phức tạp trên nhiều lĩnh vực".
Cơ hội cho Việt Nam
Đại diện VinBigdata nhận định ba trụ cột phát triển AI của Việt Nam gồm: con người, tài nguyên và công cụ. Với dân số trẻ và kỹ năng kỹ thuật số cao, Việt Nam được nhận định có tiềm năng lớn trong lĩnh vực AI.
Đào tạo nhân lực AI trong nước được chú trọng với nhiều trường đại học triển khai các chương trình chuyên ngành. Việt Nam cũng sở hữu nguồn tài nguyên dữ liệu phong phú nhờ tỉ lệ sử dụng smartphone cao (84% dân số) và phủ sóng 4G rộng rãi (99,8%), nhưng nguồn tài nguyên dữ liệu này vẫn chưa được khai thác triệt để, còn nằm ở dạng tiềm năng, theo VinBigdata.
Cùng với đó sự đầu tư từ Chính phủ và các công ty công nghệ lớn đang tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của AI trong đời sống hàng ngày, với những trợ lý ảo AI "made in Vietnam", mô hình ngôn ngữ lớn thuần Việt...
Mới đây, VinBigdata cho ra mắt Trợ lý ảo ViVi 2.0 tích hợp AI tạo sinh trên dòng xe VinFast VF 8 Lux Plus. Trợ lý ảo thế hệ mới này có khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin từ internet để đưa ra các câu trả lời phù hợp và hoàn thiện hơn cho người dùng. "Công nghệ AI tạo sinh giúp trợ lý ảo tự học và liên tục cập nhật thông tin mới, trở nên thông minh hơn theo thời gian, mang lại trải nghiệm tương tác tự nhiên hơn giữa người và xe", đại diện doanh nghiệp nói.
Tích hợp công nghệ AI tạo sinh, trợ lý ảo ViVi 2.0 hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm thú vị và tự nhiên hơn cho người lái. Ảnh: Vingroup
Bên cạnh ViVi, VinBigdata còn phát triển các sản phẩm khác như ViChat, ViVoice hay ViGPT. Các sản phẩm AI này đang được triển khai trong hệ sinh thái Vingroup và nhiều doanh nghiệp. Cơ quan chính phủ như Bộ Thông tin và Truyền thông với Trợ lý ảo hỗ trợ dịch vụ công (MIVI), đang thử nghiệm cùng Trung tâm Thông tin để cung cấp những thông tin liên quan đến văn bản pháp luật, chính sách, quy định về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực.
Ngoài ra, VinBigdata đã cho ra mắt trợ lý ảo Gen AI Bot và được tích hợp trực tiếp vào Cổng Thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhiệm vụ của trợ lý ảo này là hỗ trợ người dùng giải đáp thắc mắc liên quan đến thông tin đăng ký kinh doanh, các dịch vụ công trực tuyến như đăng ký doanh nghiệp, dịch vụ thông tin và báo cáo điện tử. Ngoài ra, Gen AI Bot còn cung cấp hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thông tin về các văn bản pháp luật và cách xử lý các vấn đề thường gặp.
Các Trợ lý ảo này đều được phát triển từ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do VinBigdata tự xây dựng từ tầng lõi sâu nhất với khối lượng dữ liệu lên tới 3.500 TB, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Các công nghệ mới nhất được ứng dụng gồm: Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), Khả năng nhận diện đa ý định (Multiple-intention), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), Trích xuất thông tin dựa trên ngữ cảnh (Information Retrieval).
Các sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh của VinBigdata đang được triển khai cho các doanh nghiệp trong đa lĩnh vực như Ngân hàng ACB, Lado Taxi... giúp tự động hóa vận hành và tối ưu hiệu suất công việc.
"Mục tiêu của VinBigdata là phát triển các giải pháp AI dựa trên dữ liệu người Việt, mang lại giá trị cho hàng triệu doanh nghiệp. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội rút ngắn khoảng cách với thế giới trong lĩnh vực AI tạo sinh, bằng cách tận dụng các lợi thế sẵn có, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững", TS Nguyễn Kim Anh, Giám đốc Sản phẩm VinBigdata chia sẻ. "Trong tháng 9 tới đây, VinBigdata sẽ ra mắt bộ giải pháp thế hệ mới tích hợp AI tạo sinh mang tên ViFi dành riêng cho nhóm ngành BFSI. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt để tạo ra bước tiến lớn khi ứng dụng công nghệ này, thúc đẩy nền kinh tế số và nâng cao vị thế của công nghệ Việt Nam".
Với những cú hích từ chính sách và sự đầu tư lớn của các công ty công nghệ, AI - đặc biệt là AI tạo sinh được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc tại Việt Nam.
Quang Anh
Đăng thảo luận