Ký ức của GS Thái Kim Lan nguyên y hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài, tóc xõa ngang trời, đạp hối hả trên chiếc VeloSolex trong một ngày hè đỏ lửa ở Huế năm 1963. Đó là ngày mà cuộc đời Kim Lan thay đổi vĩnh viễn.
Thái Kim Lan thời hai mươi - Ảnh: NVCC
Thư gửi người trẻ
Họ ngồi đó, trong vùng thời gian tựa hồ đã phẳng lặng. Này đồi mồi, đuôi mắt chân chim, đến cả giọng nói cũng trầm thật trầm; cùng nhau kể về hồi ức hai mươi yêu dấu.
Dù dạng nào, phỏng vấn, tự bạch hay ghi chép, những tâm tình, gửi gắm của họ cũng giống như những bức thư tình dành cho quê hương và các bạn trẻ.
Cô gái Thái Kim Lan ngày nào giờ đã ngoài 80 tuổi. Bà kể với Tuổi Trẻ về tuổi hai mươi bão giông, dấn thân và hạnh phúc nhất.
Mùa hè "không bình thường" của Thái Kim Lan
Năm 1962, Đoàn sinh viên phật tử được thành lập. Vì có tiếng học giỏi, Kim Lan được các anh chị kéo vào làm phó trưởng đoàn. Song khi đó bà chẳng quan tâm gì tới chính trị - xã hội.
"Các anh cứ ghi tên nhưng Kim Lan không hoạt động chi mô", Kim Lan kể dẫu quy y và có cả pháp danh nhưng bà tự thấy bản thân chưa phải là phật tử dù nằm trong truyền thống của một gia đình theo đạo Phật.
Đài Phát thanh Huế dưới chân cầu Trường Tiền ngày 8-5-1963-ngày xảy ra cuộc thảm sát các phật tử - Ảnh tư liệu
Hồi đó, thiếu nữ nhiều mơ mộng, chịu ảnh hưởng của triết học Tây phương, trong đó triết học hiện sinh đang phổ biến.
Kim Lan quan tâm nhất là việc học, quên luôn sự tồn tại của tổ chức mà mình được giao làm phó trưởng đoàn.
Tháng 5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cấm người dân treo cờ tôn giáo và thắp đèn nhân ngày Phật đản, vấp phải phản đối dữ dội của tăng ni, tín đồ Phật giáo ở Huế, cô sinh viên Kim Lan cũng không hề hay.
Khi Kim Lan lên trường gặp bạn thì được nghe: "Mọi người đang tuyệt thực trên chùa Từ Đàm sau vụ chính quyền đàn áp khiến nhiều người tử vong. Phan Đình Bính - tổng thư ký Đoàn sinh viên phật tử - bị bắt đi rồi. Sao Kim Lan vẫn còn đứng long ngong ở đây?".
Cô gái 21 tuổi vốn không màng sự đời chợt hoảng hốt, đạp xe phăng phăng lên chùa.
Huế khi đó đang những ngày hè nóng bức. Khi bà đến, ai nấy mừng quá vì đoàn đang thiếu người. Anh Bính bị bắt; còn trưởng đoàn Hoàng Văn Giàu và phó trưởng đoàn Võ Văn Thơ không có mặt ở Huế.
Không suy nghĩ chi nhiều, Thái Kim Lan nhập cuộc ngay, ở đó tuyệt thực cùng mọi người. Đấu tranh khi đó mang tính bất bạo động.
"Cảnh tượng trên chùa những ngày nớ lạ lắm. Càng bị cấm đoán, bị đàn áp bởi lựu đạn cay và dùi cui, người kéo lên chùa càng đông, nhiều nhất là các bạn trẻ", bà nhớ lại.
TIN LIÊN QUANHuế - những tháng ngày sục sôi
Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 2: Súng đã nổ!
Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 3: Lửa từ bi từ Sài Gòn đến Huế
Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 5: "Nước lũ" tràn ra Huế
Điều này bắt nguồn từ việc chính quyền Ngô Đình Diệm không hiểu bản chất của cuộc đấu tranh đó là đòi quyền tự do, bình đẳng tôn giáo, hay nói sâu xa hơn là quyền bình đẳng về văn hóa.
Là người ghi danh sách những người tuyệt thực, bà kể lúc đầu chỉ có 20 - 30 sinh viên tham gia; phong trào lớn dần, trong khoảng một tuần lên tới 200 - 300 người. Tất cả bị giam lỏng một tuần trời.
Bà nghĩ gì về sự thinh lặng của Huế khi đó? "Tôi không thấy sợ hãi chi. Ban đêm, chúng tôi và các nữ phật tử nằm bên nhau nghe kinh. Trên cao, trăng rọi vào rất đẹp", bà kể lại.
Thái Kim Lan thú nhận, tới lúc đó bà mới thật sự là người của Đoàn sinh viên phật tử, là một phật tử tự thân.
Hàng trăm người bị giam lỏng tới 11-6-1963, khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu thì được thả ra. Đó là sự kiện chấn động cả thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Thái Kim Lan nói, những sự kiện xảy đến trong mùa hè năm 1963 đã khiến cuộc đời và tuổi trẻ của bà "không còn bình thường được nữa". Bà nhận ra "việc dấn thân, xả thân vì sự bình đẳng của con người là một điều gì đó rất quan trọng và thiêng liêng".
Cuộc diễu hành rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm(Huế tháng 5-1963 - Ảnh tư liệu
Khi được thả ra, mạ bà bắt con gái vô Đà Nẵng tránh một thời gian nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Bởi sau cái chết của nhà văn Nhất Linh ngày 7-7-1963, phong trào biểu tình nổ ra nhiều nơi.
Kim Lan về lại Huế, tiếp tục đấu tranh cùng Đoàn sinh viên phật tử đến khi bị bắt vào tù (20-8 đến 26-10-1963) mới được thả tự do và trở lại cắp sách đi học.
Lúc đó bà bao nhiêu kí lô? 38! Thái Kim Lan cười rất tươi "không hiểu khi đó, lấy đâu ra sức mạnh". Giờ nghĩ lại, bà "hài lòng với tuổi trẻ đó".
Thái Kim Lan đã có một "điểm rơi" đặc biệt nhất của tuổi trẻ. Không hề chủ đích nhưng đã bị hiện thực đời sống xã hội hấp dẫn và cuốn vào, rồi đấu tranh cho nó không vì mưu lợi nào.
Nói về phong trào đấu tranh năm 1963 ở Huế, bà cho đó "là phong trào quần chúng đúng nghĩa và có ý nghĩa nhất". Để rồi từ đó lan khắp miền Nam, trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam.
Giáo sư Thái Kim Lan - Ảnh: NVCC
Tuổi trẻ đáng giá vô vàn
Giờ ngẫm lại, sở dĩ bà có thể "cả gan rứa" là do bà "có học". Tri thức nền khi đó đã giúp bà phân biệt được đâu là đúng, sai. Vì thế với người trẻ hôm nay, muốn xây dựng nền tảng cho bản thân thì phải biết thâu lượm kiến thức. Say mê học và phải tìm được trong sự học một khám phá cho chính mình.
"Không phải ai cũng thành công từ việc học nhưng trước hết, học để thỏa mãn tính tò mò và khơi dậy, để chạm vào khả thể của mình. Điều đó rất quan trọng. Chính điều đó làm cho ta dù có thể không chuẩn bị nhưng thực ra đã chuẩn bị từ lâu, có sẵn trong huyết quản, gặp dịp thì thức tỉnh", bà nói.
Vậy tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Người phụ nữ tham gia tranh đấu năm xưa vẫn cười giòn nói "vô vàn".
Mùa hè đó, thiếu nữ Thái Kim Lan mặc áo dài, tóc xõa ngang trời, hối hả trên chiếc xe đạp VeloSolex đi vào vô tận. Vì cảnh tượng đó mà sau này, Thái Kim Lan được ví như "con bọ ngựa của Huế". Đó có lẽ cũng là cảnh diễm lệ nhất trong lý lịch cá nhân của người đàn bà này.
Nếu không có mùa hè 1963, có lẽ tôi sẽ bằng lòng với cảnh học xong, thành giáo sư, đi dạy rồi lấy chồng, sinh con, sống một đời phẳng lặng, chẳng để ý đến ai.
Chính sự đấu tranh đó đã phát sinh một khía cạnh khác mà trước đó tôi không để ý. Đó là tính thiện của con người, con người phải chịu trách nhiệm với xã hội mà mình sống trong đó và đấu tranh để nó tốt đẹp hơn.
GS THÁI KIM LAN
Đăng thảo luận