Để ổn định đời sống gần 100.000 người dân
Theo thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch khoáng sản đã khiến cho gần 100.000 người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, huyện Bảo Lâm là địa phương có hơn 65.000 người bị ảnh hưởng, TP. Bảo Lộc có hơn 27.000 người bị ảnh hưởng. Hầu hết các diện tích đất nông nghiệp, khu dân cư hiện hữu của các địa phương trên đều bị ảnh hưởng.
Hàng trăm ngàn người dân tại tỉnh Lâm Đồng đang gặp khó khăn trong đời sống vì vướng quy hoạch khoáng sản.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba vào cuối tháng 6/2024, Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Hiện nay, hơn 50% diện tích đất đai của huyện Bảo Lâm và một phần TP. Bảo Lộc đều bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khoáng sản. Các dự án đầu tư công, xây dựng nhà ở của người dân, khu đô thị, khu tái định cư đều nằm trong vùng quy hoạch, thăm dò khai thác khoáng sản. Nếu không rà soát, triển khai sớm thì tất cả các hoạt động đều bị ngưng trệ".
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đa phần diện tích quy hoạch khoáng sản đều thuộc khu vực tập trung dân cư đông đúc, đã được đầu tư hạ tầng như Khu trung tâm hành chính huyện, xã, thị trấn thuộc các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP. Bảo Lộc.
Hơn 50% diện tích đất của huyện Bảo Lâm bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khoáng sản.
"Theo quy hoạch, khu vực khai thác, thăm dò khoáng sản bao gồm các khu dân cư đã sinh sống ổn định, nên việc di dời để thực hiện việc khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Hơn nữa, thời gian quy hoạch khai thác khoáng sản đến tận năm 2050, trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện nên không triển khai được các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt theo quy định", UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều diện tích bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khoáng sản là đất nông nghiệp màu mỡ, mang lại sinh kế ổn định cho người dân tỉnh Lâm Đồng.
Đối với tỉnh Đắk Nông, cũng tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba, ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét, trước mắt cho phép xây dựng các công trình trên nền các công trình đã có sẵn mà nằm trong khu vực quy hoạch khoáng sản. Xem xét điều chỉnh đưa các danh mục, nhất là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh, các dự án thuộc ba chương trình mục tiêu quốc gia ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản để đảm bảo cơ sở thực hiện các dự án phát triển hạ tầng của địa phương.
Tỉnh Đắk Nông có hàng ngàn dự án bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khoáng sản. Ảnh: Phước Long.
Còn tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đắk Nông tháng 7/2024, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay, trong tổng số 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024, đến hết tháng 6, tỉnh này mới giải ngân được 26,76%, thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, vướng mắc liên quan đến chồng lấn quy hoạch bauxite ảnh hưởng lớn nhất đến triển khai các dự án, công trình đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
"Quy hoạch bauxite đang bị chồng lấn. Đụng đâu cũng dính bauxite nên địa phương không làm gì được. Nếu việc khai thác bauxite theo tiến độ hiện nay thì 400 năm sau mới khai thác hết. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sắp tới, Quốc hội sửa Luật Khoáng sản sẽ lồng ghép đặc thù của Đắk Nông. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp Đắk Nông có dư địa sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội", ông Hồ Văn Mười cho biết.
Gỡ vướng ra sao?
Trước những khó khăn của các địa phương khi thực hiện quyết định 866/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết.
Người dân tỉnh Lâm Đồng mong muốn Chính phủ sớm gỡ vướng quy hoạch khoáng sản cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Theo đó ngày 19/8/2024, Bộ Công Thương có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó Bộ cho rằng việc tỉnh Lâm Đồng kiến nghị xem xét, quyết định hình thức hạn chế, cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản có tính chất đặc thù để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng, đặc biệt là các công dự án đầu tư công, các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng là có cơ sở.
Ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng.
Cùng quan điểm trên, tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát cụ thể các khu vực có khoáng sản đặc thù. Từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa ra khỏi quy hoạch trước khi xem xét, khoanh định là khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để tiếp tục thực hiện các công trình, dự án quan trọng.
Đối với các khu vực không chứa khoáng sản, chứa khoáng sản nhưng trữ lượng không tập trung, phân tán, hàm lượng trữ lượng thấp (nếu khai thác sẽ không có hiệu quả kinh tế), tỉnh Lâm Đồng kiến nghị loại bỏ khỏi quy hoạch. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng địa phương được phép chuyển mục đích sử dụng đất, triển khai các dự án phát triển kinh tế- xã hội khác trên phần diện tích không có khoáng sản đã được loại bỏ trên cùng một khu vực đã quy hoạch. Cũng theo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh nơi có khoáng sản thực hiện nhiệm vụ này (tại Quyết định 333/QĐ- TTg ngày 23/4/2024).
Hiện nay, hai Bộ Công Thương và Tài nguyên và Môi trường đã có những hướng dẫn, phản hồi đối với các kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.
Ngoài ra, quá trình thực hiện quy hoạch khoáng sản trên địa bàn, các địa phương cho rằng cần khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép để giảm thiểu diện tích chiếm đất của các dự án khai thác mỏ. Theo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh nơi có khoáng sản lập đề án triển khai khoanh định chính xác tọa độ khép góc của các khu vực sẽ cấp phép nhằm giảm thiểu diện tích chiếm đất của các dự án khai thác mỏ, nhưng vẫn đảm bảo nằm trong tọa độ khép góc của khu vực có khoáng sản đã quy hoạch.
Như vậy, nhiều kiến nghị của các tỉnh Tây Nguyên trong quá trình thực hiện Quyết định 866/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời. Các bộ, ngành liên quan đã và đang đưa ra giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn địa phương thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng không gây khó khăn, cản trở sự phát triển của các địa phương có khoáng sản.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận