Hơn một nửa nhân sự Gen Z than "ngày nào cũng kiệt sức"
(Dân trí) - Kết quả một khảo sát thực hiện tại Singapore cho thấy, hơn 58% nhân sự thuộc thế hệ Gen Z ở nước này luôn cảm thấy kiệt sức, căng thẳng mỗi ngày.
Mới đây, công ty phần mềm Employment Hero vừa thực hiện nghiên cứu về báo cáo sức khỏe nơi làm việc năm 2024 đối với người lao động làm việc tại Singapore.
Hơn 58% nhân sự Gen Z ở Singapore cảm thấy kiệt sức, căng thẳng mỗi ngày (Ảnh minh họa: Pexels).
Theo bài nghiên cứu, 61% người lao động tại nước này trong tình trạng "cảm thấy kiệt sức". Trong đó, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) là nhóm lao động có tỷ lệ kiệt sức cao nhất (68%), kế tiếp là thế hệ Millennials (những người sinh đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) với 65% và thế hệ X (những người sinh giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980) là 54%.
Đáng chú ý, Gen Z là thế hệ có tỷ lệ cao nhất trong việc "vài ngày một tuần lại cảm thấy căng thẳng" (chiếm 58%). Báo cáo cũng tiết lộ những người tham gia khảo sát chủ yếu lo lắng về tài chính và chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ việc khối lượng công việc quá tải và kiệt sức trong công việc. Không ít người cảm thấy công ty chưa có nhiều hỗ trợ để giúp họ chi trả cho các khoản phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Trong báo cáo của mình, Employment Hero khuyến khích người lao động thường xuyên có trao đổi riêng với quản lý của mình để tháo gỡ các vấn đề, giảm căng thẳng và kiệt sức. Việc giao tiếp mở được cho là sẽ giúp nhân viên xác định nguyên nhân gốc rễ khiến họ không hài lòng.
Báo cáo nêu rõ, những cuộc gặp riêng cũng có thể rất hữu ích để hiểu được nhu cầu của nhau và tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai bên.
Một khảo sát vào năm 2022 của công ty bảo hiểm Cigna Singapore cũng chỉ ra rằng 95% Gen Z là nhóm người chịu căng thẳng nhất trong công việc.
Tổng giám đốc điều hành của Cigna, Raymond Ng, cho biết: "Các nhà tuyển dụng, điều hành phải nhận ra rằng, căng thẳng trong công việc có thể ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, bạn bè, tổ chức và đồng nghiệp mà họ làm việc cùng. Họ cần cung cấp những biện pháp hỗ trợ sức khỏe, tinh thần phù hợp hơn với kỳ vọng của nhân viên, nếu không công ty sẽ có nguy cơ mất nhân tài hoặc giảm năng suất lao động".
Mới chỉ thực tập tại một công ty sản xuất video được 3 tháng, Jane (19 tuổi, quốc tịch Singapore) đã "thấm" sự căng thẳng và kiệt sức.
Cô gái cho biết công việc ở công ty ngày càng chồng chất. Việc bản thân cô bắt đầu làm việc lúc 11h và rời văn phòng lúc 21h, đã trở thành chuyện bình thường trong thời gian qua.
Jane phàn nàn: "Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và không thấy vui vẻ khi làm việc. Tôi chỉ đang làm theo thói quen, như đang mắc kẹt trong lối mòn".
Mệt mỏi vì công việc thường ngày, Jane chia sẻ, cô thích dành cuối tuần để ở một mình, đọc sách, xem phim hoặc chỉ đơn giản là lướt mạng xã hội một cách vô thức.
Tuy nhiên, cô không thể dành thời gian cho bản thân mình vì phải ra ngoài giao lưu với bạn bè, mở rộng các mối quan hệ.
Theo www.asiaone.com
Đăng thảo luận