Chiều 30-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nick Clegg - chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta - đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Meta muốn triển khai trợ lý ảo 'Meta AI' bằng tiếng Việt, sản xuất - Quest 3S  第1张

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nick Clegg, chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta - Ảnh: VGP

Tại buổi tiếp, Thủ tướng và ông Nick Clegg đã trao đổi về tương lai của đổi mới sáng tạo. Theo đó bao gồm các xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất; hợp tác giữa Meta và các đối tác Việt Nam, tập trung vào đổi mới sáng tạo, AI và tăng trưởng kinh tế số.

Việt Nam là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về kinh doanh hội thoại

Ông Nick Clegg đánh giá cao chiến lược về dữ liệu của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam có nền tảng giáo dục - đào tạo tốt với dân số 100 triệu người, trẻ, năng động, thành thạo công nghệ.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về kinh doanh hội thoại (trên ứng dụng Messenger của Facebook) để trao đổi giữa người bán và người mua.

Bày tỏ việc tham gia chương trình "Thách thức đổi mới sáng tạo" của Việt Nam là vinh dự, ông Nick Clegg đã chia sẻ về kế hoạch hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất của Meta - Quest 3S tại Việt Nam vào năm 2025. Việc này được kỳ vọng tạo ra khoảng 1.000 việc làm tại Việt Nam, đồng thời cho thấy sự tin tưởng của Meta vào nguồn nhân lực của Việt Nam.

  • Facebook đổi màu logo, bước đi chiến lược mới của Meta?

Đặc biệt, Meta sẽ triển khai trợ lý ảo "Meta AI" bằng tiếng Việt. Mục tiêu để doanh nghiệp và người dân Việt Nam tiếp cận công cụ này, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo Meta cam kết tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các chương trình đầu tư, khuyến khích sáng tạo. Hỗ trợ tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song ông Nick Clegg cũng kiến nghị quy hoạch cụ thể cho băng tần, khung pháp lý tạo thuận lợi môi trường kinh doanh.

Đề nghị Meta hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia ứng dụng trực tuyến

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Mỹ trên các lĩnh vực. Đặc biệt khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Với quan điểm coi trọng nhà đầu tư, tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp thành công với tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Meta tiếp tục trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam để thực hiện các dự án.

Bao gồm hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực: khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo, AI, Internet vạn vật (IoT)…; chuyển giao công nghệ, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và các nền tảng, ứng dụng trực tuyến của Meta.

Cùng đó, Meta cần hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam để ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; triển khai các giải pháp, biện pháp bảo vệ người dùng trên mạng xã hội, phòng chống các hình thức lừa đảo trực tuyến...

Ông cho biết hiện Việt Nam đang xây dựng Luật Dữ liệu, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản trị thông minh tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp công nghệ.

Về một số nội dung trao đổi, đề xuất của Meta, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết.

Thành lập năm 2004 tại Mỹ, tên ban đầu là Facebook, Meta là tập đoàn công nghệ đa quốc gia lớn trên thế giới. Meta phát triển và kinh doanh trên các nền tảng, ứng dụng trực tuyến như Facebook, Instagram, Whatsapp… Meta có gần 71.000 nhân viên trên toàn cầu, doanh thu năm 2023 đạt 134 tỉ USD.

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015, Meta đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo.