Quần thể chùa Tam Chúc (thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, cách TP Phủ Lý, Hà Nam khoảng 12km. Từ Hà Nội đến Tam Chúc, bạn có thể di chuyển bằng xe buýt, xe khách và xe máy. Thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ.
Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, Lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức để cầu nguyện quốc thái dân an. Chùa Tam Chúc sở hữu cảnh quan đặc biệt: lưng tựa Núi Thất Tinh, mặt hướng hồ với 6 hòn đảo đá nổi trên mặt nước tạo nên cảnh quan hùng vĩ.
Sau khi mua vé, Nhà khách Thuỷ Đình sẽ là nơi đầu tiên khi bạn đặt chân đến Chùa Tam Chúc và cũng là điểm cuối trục thần đạo. Trung tâm được xây trên mặt hồ, tựa như đóa sen nở rộ, bên trong được bày trí nghiêm trang để đón Phật tử về dự lễ. Du khách sẽ được di chuyển bằng thuyền tới tham quan 2 địa điểm mang tính lịch sử là Đình làng Tam Chúc và Đền Mẫu. Trong quá trình di chuyển trên thuyền, du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các địa điểm nằm trong lộ trình tham quan và thưởng thức các loại bánh kẹo, trái cây, nước ngọt. Đình Tam Chúc là nơi dành để thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, nằm trên hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ Ngũ Nhạc. Công trình được phục dựng lại bằng gỗ mang kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ. Đền Mẫu hiện tọa lạc trên một trong sáu ngọn núi nằm giữa hồ Lục Nhạc. Hiện tại ngoài hậu cung thờ Sơn Tinh Thánh Mẫu thì gian tiền đương hiện giờ thờ tam Tòa Thánh Mẫu. Sau khi tham quan 2 địa điểm nằm trên hồ Lục Nhạc, thuyền cập bến tại Cổng Tam Quan và bắt đầu hành trình tham quan các chính điện của chùa bằng đường bộ. Điểm nhấn của Tam Chúc chính là Vườn cột kinh. Từ cổng Tam quan đến điện Quan Âm có 32 cột kinh, cao 13,5m và nặng khoảng 200 tấn. Thân cột được khắc các lời Phật dạy cho thế hệ hiện tại cũng như mai sau. Chùa Tam Chúc gồm 3 chính điện: Quan Âm, Pháp Chủ và điện Tam Thế. Mỗi điện sẽ thờ phụng một vị Phật có ý nghĩa thiêng liêng riêng Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm các bức tượng. Mỗi bức phù điêu mô tả một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi Ngài Đản Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Niết Bàn. Những phiến đá được lấy từ miệng núi lửa và tạc tại Indonesia rồi chuyển về Tam Chúc. Điện Tam Thế là toà đại diện lớn nhất, được xây dựng theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam. Bước qua hàng cửa gỗ chạm trổ tinh xảo là ba pho tượng Tam Thế được đúc bằng đồng đen đặt trước bức phù điêu hình lá bồ đề đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Chùa Ba Sao là điểm đến cuối cùng trong chuyến tham quan, sau đó bạn sẽ được di chuyển về Nhà khách Thuỷ Đình.
Đăng thảo luận