Điện Kremlin nói Tổng thư ký NATO bình luận "thiển cận" và "nguy hiểm" khi nói căng thẳng không leo thang nếu để Ukraine tập kích tầm xa vào Nga.
"Không tôn trọng những tuyên bố của Tổng thống Nga là động thái hoàn toàn thiển cận và thiếu chuyên nghiệp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói khi đề cập bình luận của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng chỉ trích những quan điểm của lãnh đạo NATO hiện nay là "cực kỳ khiêu khích và nguy hiểm".
Trong cuộc phỏng vấn với Times đăng ngày 17/9, ông Stoltenberg bác bỏ cảnh báo tuần trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng gỡ rào vũ khí cho Kiev sẽ đẩy phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Moskva.
"Ông ấy nhiều lần tuyên bố về lằn ranh đỏ liên quan tới NATO nhưng chưa từng leo thang, vì nhận ra đây là liên minh quân sự mạnh nhất thế giới. Họ cũng hiểu rằng vũ khí hạt nhân, chiến tranh hạt nhân không thể giúp giành chiến thắng và cũng không nên thực hiện", Tổng thư ký Stoltenberg nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moskva hôm 5/7. Ảnh: Reuters
Ukraine muốn sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ một cách linh hoạt hơn, nhằm tấn công các sân bay và mục tiêu quân sự của Nga nằm cách xa tiền tuyến. Washington hiện chỉ cho phép Kiev tấn công các mục tiêu Nga ở những khu vực do Moskva kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine, cùng một số khu vực gần biên giới liên quan trực tiếp đến hoạt động chiến đấu.
Tổng thống Zelensky cho rằng phương Tây chậm gỡ bỏ rào cản đã tạo điều kiện để Nga dịch chuyển các mục tiêu quân sự lùi về sâu hơn.
Một số nước thành viên NATO đang dần thay đổi lập trường. Guardian ngày 11/9 đưa tin chính phủ Anh đã có "quyết định tích cực" với cách Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow. Tuy nhiên, London vẫn cần Washington chấp thuận nếu muốn cho phép Kiev dùng loại tên lửa này để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, vì Storm Shadow có chứa linh kiện do Mỹ sản xuất.
Canada, Thụy Điển, Phần Lan cũng ủng hộ gỡ rào vũ khí tầm xa với Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố không cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Đức tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, bất kể các quốc gia khác quyết định thế nào.
Washington và đồng minh đã liên tục tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Phương Tây đã cung cấp nhiều khí tài hiện đại như xe tăng, tên lửa và tiêm kích F-16 cho Ukraine mà chưa vấp đòn đáp trả mạnh tay từ Nga.
Điều đó khiến một số chính trị gia cho rằng lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin chỉ là "nói suông", đồng thời kêu gọi NATO nên dốc toàn lực để giúp Ukraine chiến thắng. Tổng thống Zelensky nói rằng cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk hồi đầu tháng 8 là "sự chế giễu" đối với các lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin.
Thùy Lâm (Theo Reuters, TASS)
Đăng thảo luận
2024-09-28 13:54:50 · 来自123.235.179.176回复
2024-09-28 14:04:46 · 来自61.235.1.4回复
2024-09-28 14:14:56 · 来自222.64.3.76回复