Khối ngoại bán ròng 6 phiên liên tiếp, VN-Index giảm nhẹ cuối tuần
Thị trường chứng khoán, VN-Index ghi nhận nhịp tăng ấn tượng chiều nay, gần chạm đỉnh 1294 điểm, nhưng áp lực bán mạnh vào 15 phút cuối đã đẩy chỉ số xuống dưới tham chiếu. VN-Index giảm hơn 1 điểm về khoảng 1.285,5 điểm.
Toàn sàn HoSE có 211 cổ phiếu giảm giá, còn bên tăng ghi nhận 157 cổ phiếu. Thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều mã trụ như VPB, HPG, CTG, MSN...
Nhóm ngân hàng có 4 đại diện góp mặt trong danh sách những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Cụ thể, VPB dẫn đầu khi giảm 1,67% xuống 20.550 đồng, tiếp đến CTG giảm 0,82% xuống 36.250 đồng, MBB giảm 0,58% xuống 25.750 đồng và MSB giảm 1,14% xuống 13.050 đồng. STB trở thành trụ đỡ của thị trường trong phiên hôm nay khi tăng 2,75% lên 35.550 đồng.
Nhóm chứng khoán chịu áp lực bán quyết liệt khi VCI giảm 1,6% xuống 36.100 đồng, TVB giảm 1,1% xuống 9.300 đồng, BSI giảm 0,8% xuống 51.200 đồng và VDS giảm 0,7% xuống 20.750 đồng.
Tương tự, nhóm thép cũng gây áp lực lớn lên chỉ số khi hầu hết đóng cửa dưới tham chiếu. Cụ thể, NKG giảm 1,4% xuống 20.900 đồng, HPG giảm 1,1% xuống 26.950 đồng, HSG giảm 1% xuống 20.600 đồng và TLH giảm 0,6% xuống 5.410 đồng.
Khối ngoại kéo dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ sáu liên tiếp. Cụ thể, nhóm này bán ra hơn 33,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.062 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân khoảng 908 tỷ đồng để mua gần 30 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó đạt hơn 154 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài xả hàng quyết liệt cổ phiếu MSB với giá trị ròng xấp xỉ 35 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tích cực giải ngân vào MWG khi giá trị mua ròng lên đến 71 tỷ đồng, sau đó lần lượt là EIB 27,4 tỷ đồng, FPT 22 tỷ đồng và VPB 21 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép SMC tăng trần trước mùa báo cáo kinh doanh quý III
SMC hôm nay tăng kịch biên độ, thanh khoản nhỏ giọt chỉ gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên ở cuối phiên, mã này "trắng" bên bán và dư mua gần 586.000 cổ phiếu. Đà tăng xuất hiện sau 6 phiên SMC giảm liên tục, đưa thị giá về vùng đáy lịch sử 6.150 đồng một đơn vị.
Diễn biến xuất hiện trong giai đoạn gần kề mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên trước đó, "đại gia" thép một thời lỗ liên tiếp trong 2022-2023 với mức lũy kế gần 169 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái.
Công ty phát sinh công nợ đối với một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng như Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh Incons hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Tại ngày 30/6, công ty có khoản nợ xấu ngắn hạn hơn 1.288 tỷ đồng đối với các công ty thuộc hệ sinh thái của Novaland, Hưng Thịnh Incons và các đối tượng khác. Công ty đã phải trích lập dự phòng gần 557 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này. Việc trích lập dự phòng ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Đăng thảo luận