Ngày 10-10-2024, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV - trước đây là TVN) đã tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập.
Góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp than, khoáng sản
Sau 30 năm hình thành và phát triển, TKV không ngừng đầu tư đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Hoạt động sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - Ảnh: Nhôm Đắk Nông (TKV)
Việc đưa các nhà máy luyện kim và các nhà máy chế biến alumin đi vào hoạt động đã tạo ra sự phát triển đột phá về chất của của ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam theo hướng chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, vừa nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, tại địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.
Những đóng góp của TKV trong 30 năm đã góp phần làm thay đổi diện mạo của công nghiệp Việt Nam từ thô sơ, lạc hậu cho đến hiện đại, tiên tiến và hướng tới bảo vệ môi trường.
Tăng trưởng về chiều rộng lẫn chiều sâu
Từ khi thành lập đến hết năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn đã đạt 91,3 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 778 tỷ đồng lên 40,9 ngàn tỷ đồng; trong đó tổng doanh thu ngành than tăng 135 lần; tổng doanh thu khoáng sản tăng 18,78 lần.
Việc đưa các nhà máy luyện kim và các nhà máy chế biến alumin đi vào hoạt động đã tạo ra sự phát triển đột phá về chất của của ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam theo hướng chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, vừa nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, tại địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.
Hoạt động giám sát sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - Ảnh: Nhôm Đắk Nông (TKV)
Tổng tài sản toàn Tập đoàn tăng trưởng đều qua các năm. Giai đoạn 10 năm đầu mới thành lập, bình quân tổng tài sản đạt 4,25 nghìn tỷ đồng, Từ năm 2004-2013 bình quân tổng tài sản đạt 62,8 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2023 bình quân tổng tài sản đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, năm cao nhất là 2017 với giá trị 140 ngàn tỷ đồng. Giá trị tổng tài sản của toàn Tập đoàn tại thời điểm năm 2023 đã tăng hơn 112 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 67 lần so với năm 1994, điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc quy mô của TKV về cả chiều rộng và chiều sâu trong sản xuất kinh doanh.
Trách nhiệm xã hội
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn đã nộp NSNN với số tiền trên 280 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, TKV cùng các đơn vị thành viên luôn tích cực tham gia thực hiện các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, người tàn tật, công tác từ thiện ... với tổng kinh phí đóng góp từ năm hàng ngàn tỷ đồng.
Các hoạt động an sinh xã hội tiêu biểu như: hỗ trợ 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ngày 27/12/2008 là 241 tỷ đồng; đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) với kinh phí trên 163 tỷ đồng và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 150 tỷ đồng; tại Lâm Đồng, Tập đoàn đã hỗ trợ 320 tỷ để cải tạo Tỉnh lộ 725 khi xây dựng dự án Alumin Tân Rai. Tại Tỉnh Đắc Nông hỗ trợ 180 tỷ đồng cho Tỉnh để xóa nhà dột nát; hỗ trợ Xây dựng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trị giá 245 tỷ đồng; Xây dựng Quảng trường thành phố Cẩm Phả 94 tỷ đồng…
Trong đại dịch Covid-19 Tập đoàn đã chi trực tiếp từ Công ty mẹ TKV để hỗ trợ Trung ương và các địa phương công tác phòng chống dịch bệnh với số tiền 289 tỷ đồng bao gồm hỗ trợ mua vắc xin, thuốc và trang thiết bị dụng cụ y tế các loại.
Công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai
Hàng năm Tập đoàn các công ty đã chi hàng ngàn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do quá khứ để lại và ngăn ngừa ô nhiễm mới phát sinh, vì vậy môi trường cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV "luôn đảm bảo thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu" tiến dần tới mục tiêu "Xanh hóa môi trường khai thác mỏ" và tiến trình "Đưa công viên vào trong Mỏ, Nhà máy".
Sau 30 năm thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, và an toàn lao động, Tập đoàn đã hoàn thành nhiều dự án cải tạo, phục hồi môi trường; nạo vét, xây kè hệ thống sông suối thoát nước, hồ chứa nước; xây đập chắn đất đá ở chân bãi thải; cải tạo, xây dựng các tuyến đường vận tải chuyên dụng; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, dập bụi, thu gom, tái chế chất thải, v.v. Trồng cây phủ xanh cải tạo các khu vực sau khai thác mỏ phục hồi môi trường sinh thái: trên 21.000 ha, hàng năm xử lý nước thải mỏ 140 -150 triệu m3 đảm đảo tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động kết nối trực tiếp và truyền dữ liệu liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
Hoạt động sản xuất Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - Ảnh: Nhôm Lâm Đồng (TKV)
Nhờ những giải pháp quyết liệt đã được thực hiện nên tình hình môi trường vùng mỏ, an toàn và sức khỏe người lao động từng bước cải thiện đáng kể, trên cơ sở đó các hoạt động SXKD của Tập đoàn đang phát triển theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
Với những thành tựu đã được trong 30 năm qua, CNCB của Tập đoàn TKV đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng năm 1996 và Anh hùng Lao động năm 2005; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đăng thảo luận