Đề án phát triển KTXH 4 làng Đồn xã Chư A Thai gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào DTTS được triển khai từ năm 2017 đến nay đã tạo nên những đổi thay kỳ diệu ở làng Hek.

Từng là “vùng trũng” về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, năm 2018, làng Hek, xã Chư A Thai được tỉnh Gia Lai và huyện Phú Thiện chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hek là 1 trong 4 làng căn cứ cách mạng của huyện Phú Thiện, có khoảng 100 hộ, 400 khẩu nhưng có đến hơn 60% số hộ nghèo do người dân chủ yếu sản xuất lúa rẫy một vụ và trồng sắn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Từ năm 1990, 12 hộ dân với gần 60 khẩu đã tự ý di dời lên định cư trên núi Cheng Leng thuộc địa phận xã H’bông, huyện Chư Sê, chấp nhận cuộc sống biệt lập, thiếu thốn, ốm đau không được chữa bệnh, trẻ em không được đến trường…

Trước đây, không gian ở làng chưa được quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật chỉ là đường mòn đất nhỏ hẹp, nhà ở lụp xụp không đảm bảo, hạ tầng xã hội chưa có. Thời điểm cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%.

Những đổi thay ở làng Hek  第1张

Sau khi được sự chung tay vào cuộc, giúp đỡ của các cấp chính quyền, làng Hek bây giờ đã được quy hoạch, 11 trục đường bê tông chia làng thành 8 ô bàn cờ, lấy nhà rông làm khu trung tâm; hơn 100 hộ được cấp 600 m2 đất/hộ để xây dựng nhà ở, bố trí rào ngăn nắp bằng lưới và trụ bê tông có cổng, ngõ; gia súc có chuồng nuôi nhốt riêng biệt; người dân được dùng điện, sử dụng nước sạch...

Những căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo trước kia đã được thay thế bởi những ngôi nhà sàn kiên cố, vững chãi. Gắn liền với đó là những con đường bê tông trải dài, thông thoáng, sạch đẹp và những cánh đồng, vườn tược xanh tốt.

Kế thừa những kết quả quan trọng của giai đoạn 1, bước sang giai đoạn 2, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền để thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu và tâm lý trông chờ của người dân. Để vận động, khuyến khích người dân 4 làng thay đổi tập tục lạc hậu, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Xã đứng ra kêu gọi nguồn vốn 600 triệu đồng vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo đó, mỗi hộ dân được vay 20 triệu đồng để khoan giếng và làm nhà tắm, nhà vệ sinh… thay vì phải dùng nước không hợp vệ sinh như trước đây.

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng do tập tục từ xưa, đồng bào vẫn tổ chức đám tang, đám cưới kéo dài nhiều ngày... Vì vậy, xã giao nhiệm vụ cho các Đảng ủy viên, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân hiểu, nhận ra việc lãng phí, tốn kém để điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, từ các nguồn vốn hỗ trợ, xã sẽ trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận gói vay phù hợp, sử dụng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, từng bước thay đổi cuộc sống.

Bên cạnh đó, chính quyền xã sẽ hỗ trợ triển khai một số mô hình kinh tế, tạo việc làm, phấn đấu thực hiện một số tiêu chí để làng Hek cán đích nông thôn mới.