'Chỉ được làm thêm 24 tiếng mỗi tuần, sinh viên kiếm được chưa tới 2,5 triệu đồng một tháng, trong khi học phí lên tới cả chục triệu mỗi kỳ'.
"Không hiểu sao lại phải giới hạn giờ làm thêm của sinh viên Việt Nam, trong khi cái các bạn trẻ ra trường thiếu luôn là kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế? Chưa kể làm thêm còn giúp sinh viên trang trải cuộc sống nơi thành thị đắt đỏ. Nếu nói sinh viên làm nhiều, lười học theo tôi là không hợp lý vì trước giờ không hạn chế giờ làm thêm thì sinh viên vẫn đi làm và học tốt đó thôi. Nước ngoài người ta chỉ hạn chế giờ làm của sinh viên ngoại quốc để tránh lợi dụng du học để sang làm việc chui, cạnh trạnh với sinh viên bản địa, chứ tôi không thấy ai hạn chế giờ làm của sinh viên nước họ cả".
Đó là quan điểm của độc giả Ha Nguyen về đề xuất giới hạn thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 24 giờ mỗi tuần, để đảm không ảnh hưởng đến quá trình học tập. Dự thảo mới cũng quy định mức sàn tiền công cho nhóm này thay vì để hai bên tự thỏa thuận. Theo đó, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ hiện hành, vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.
Đặt dấu hỏi về tính khả thi của đề xuất, bạn đọc Viviandao nhận định: "Không cần thiết phải hạn chế giờ làm thêm vì sinh viên trên 18 tuổi đã đủ nhận thức để biết cái gì quan trọng hơn: tiền kiếm được trước mắt hay tương lai lâu dài? Nhiều sinh viên chẳng đi làm thêm mà học vẫn tệ. Theo tôi, chỉ nên phát triển các tổ chức bảo vệ quyền của sinh viên khi làm việc, giống như công đoàn mà thôi. Chất lượng đào tạo còn lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình giảng dạy, chất lượng giáo viên, khả năng tư duy và ý thức học của sinh viên...".
Đồng quan điểm, độc giả Comment dạo phân tích: "Giả sử một sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học đại học, với quy định này thì mỗi tháng thu nhập tối của em đó sẽ chưa tới 2,5 triệu đồng. Trong khi, theo tôi biết, học phí đại học hiện nay toàn trên chục triệu đồng một học kỳ. Vậy quy định đó có tạo gánh nặng cho sinh viên và gia đình các em không? Theo tôi, khi nào học phí, sinh hoạt phí của sinh viên được hỗ trợ thì hãy nghĩ đến chuyện giới hạn thời gian làm thêm của các em".
>> 'Tốn 16 năm ăn học chỉ để chạy xe ôm công nghệ'
Việt Nam chưa có nghiên cứu quy mô cả nước về làm thêm của học sinh, sinh viên, song khảo sát cấp trường ước tính 70-80% các em đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập. Sinh viên thường phụ việc tại quán ăn, cà phê, đóng gói hàng hóa, phát tờ rơi theo ca 4-5 tiếng mỗi ngày, tương đương 28-35 tiếng một tuần. Thù lao phổ biến 17.000-20.000 đồng một giờ.
Lo ngại quy định làm thêm 24 giờ mỗi tuần, tức bình quân 4 giờ mỗi ngày thì các em học vào lúc nào, bạn đọc Thảo Vy nhấn mạnh: "20 giờ một tuần chỉ là quy định trong thời gian các em còn đi học. Còn thời gian nghỉ hè đã có quy định sinh viên làm thêm không quá 48 giờ một tuần, tương tự như lao động bình thường. Theo tôi như vậy là hợp lý, bởi sinh viên đi làm thêm quá nhiều sẽ không thể có đủ thời gian và sức khỏe để học tốt. Nếu không giới hạn, để chất lượng sinh viên đi xuống, khi đó chẳng lẽ lại đổ trách nhiệm cho nhà trường?".
Có cùng suy nghĩ, độc giả QT kết lại: "Nhiều người đòi bỏ giới hạn giờ làm thêm của sinh viên như nếu vậy thì ai kiểm soát và đảm bảo chất lượng học tập của các em? Theo tôi, quy định như vậy rất tốt, nhưng cần có chế tài để nó đi vào thực tế. Tôi rất xót xa khi có đứa cháu chỉ vì ham làm thêm mà xao lãng việc học, cuối cùng đánh mất cả tương lai. Rất mong các cơ quan quản lý có được giải pháp tốt để hài hoài lợi ích cho sinh viên".
- Sinh viên của tôi không về quê ăn Tết để ở lại Hà Nội kiếm tiền
- 'Làm thêm giờ để tăng thu nhập là thất sách'
- Xoay xở làm thêm khi công việc nhàn hạ
- 'Sinh viên chỉ chạy xe ôm 24 tiếng/ tuần'
- Khi cử nhân đại học kéo nhau xuống đường làm shipper, xe ôm công nghệ
- Ba tháng không đi xin việc vì 'nghiện' làm shipper
Đăng thảo luận