Suy tim là tình trạng tim không còn khả năng bơm máu đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, tức chức năng tim suy giảm.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Trần Văn Sĩ, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Nguyên nhân

Suy tim có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau:

- Tăng huyết áp.

- Đái tháo đường.

- Bệnh mạch vành.

- Bệnh van tim.

- Bệnh cơ tim.

- Loạn nhịp tim.

- Gen di truyền.

- Do độc chất (thuốc điều trị ung thư, rượu...)

Triệu chứng

- Cảm giác yếu ớt, mệt mỏi hoặc chóng mặt.

- Khó thở, cảm giác nặng nề ở bụng, chán ăn.

- Phù chân, mắt cá chân, hoặc bàn chân.

- Tích tụ dịch trong ổ bụng hoặc phổi, gây khó thở và ho.

- Tăng cân không rõ nguyên nhân.

- Đau ngực, nhịp tim nhanh bất thường.

Diễn tiến

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) và Hội Tim mạch học Mỹ (ACC) xác định 4 giai đoạn của suy tim. Các giai đoạn này được mô tả như sau:

- Giai đoạn A: Có nguy cơ suy tim

Những người chưa có triệu chứng suy tim, chưa tổn thương cấu trúc nhưng có nguy cơ suy tim cao. Ví dụ như gia đình có người bị suy tim hoặc có một hoặc nhiều nguy cơ dẫn đến suy tim.

Yếu tố nguy cơ cho những người ở giai đoạn này bao gồm tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, béo phì, tiếp xúc với các tác nhân độc hại cho tim, biến thể di truyền liên quan đến bệnh cơ tim và tiền sử gia đình về bệnh cơ tim.

- Giai đoạn B: Tiền suy tim

Những người có tổn thương cấu trúc tim, nhưng chưa có triệu chứng cơ năng và thực thể suy tim.

- Giai đoạn C: Suy tim có triệu chứng

Có tổn thương cấu trúc kèm tiền sử hoặc hiện tại có triệu chứng cơ năng suy tim.

- Giai đoạn D: Suy tim nặng

Những người có triệu chứng suy tim nặng cần can thiệp đặc biệt.

Điều trị

- Mục tiêu:

  • Cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Điều này giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt hằng ngày.
  • Giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
  • Hạn chế số lần nhập viện.

- Phương thức:

  • Điều chỉnh lối sống: Việc thay đổi thói quen sinh hoạt, kết hợp với tập thể dục và chương trình phục hồi chức năng tim mạch sẽ góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng tim.
  • Thuốc điều trị: Các loại thuốc được chỉ định nhằm kiểm soát triệu chứng, giảm tải cho tim và ngăn ngừa bệnh tiến triển
  • Thiết bị hỗ trợ tim: Sử dụng máy khử rung ICD và máy tái đồng bộ cơ tim (CRT) để điều hòa nhịp tim và cải thiện hiệu suất tim mạch.
  • Thủ thuật can thiệp: Các biện pháp như đặt stent mạch vành hoặc sử dụng dụng cụ để đóng lỗ thông tim bẩm sinh khi có chỉ định.
  • Phẫu thuật: Khi có chỉ định, các phẫu thuật như sửa hoặc thay van tim, thực hiện bắc cầu mạch vành, hoặc các bệnh tim bẩm sinh sẽ được xem xét khi có chỉ định.
  • Ghép tim: Đối với những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, khi các biện pháp điều trị trên không còn hiệu quả, ghép tim có thể là lựa chọn cuối cùng, mang lại cơ hội cho một cuộc sống mới và chất lượng tốt hơn.

Mỹ Ý