Thạc sĩ loại giỏi về quê làm vườn, kiếm tiền tỷ vẫn bị nói "phí bằng cấp"
(Dân trí) - Nhờ nắm vững kiến thức, nam thạc sĩ đã chăm sóc tốt vườn sầu riêng của mình, thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Dù vậy anh vẫn bị nhiều người đàm tiếu chuyện "học cao rồi về làm nông dân".
Thạc sĩ nông dân
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn (tên đã được thay đổi) ở Cần Thơ chia sẻ về đam mê làm nông từ bé. Nhưng thay vì giống cha, trở thành một "hai lúa", anh Nguyễn quyết định đi học để trở thành "nông dân tri thức".
Với quyết tâm của mình, sau những năm tháng giảng đường, anh Nguyễn trở thành một thạc sĩ chuyên ngành trồng trọt.
Vườn sầu riêng của anh Nguyễn sai trái dù nghịch vụ vì được chăm sóc tốt (Ảnh: CTV).
Anh kể, năm 2016, khi đang học đại học, anh Nguyễn đã xin và được cha mẹ cho chuyển đổi 1,6ha ruộng lúa của gia đình sang trồng sầu riêng. Những năm sau đó, anh vừa đi học vừa chăm bón khu vườn.
Sau khi tốt nghiệp đại học một năm, sầu riêng của anh Nguyễn cho thu hoạch với năng suất cao. Dù đã thành công bước đầu, anh Nguyễn vẫn không hài lòng.
Khu vườn được trồng với kỹ thuật hợp lý (Ảnh: CTV).
"Tôi nhận thấy điều kiện trồng trọt, thị hiếu tiêu dùng đang biến đổi nhanh chóng. Tin rằng muốn đi đường dài với cây sầu riêng vẫn phải cần học thêm, tôi quyết định học thạc sĩ", anh Nguyễn chia sẻ.
"Luận văn thạc sĩ của tôi với đề tài phương pháp tưới sầu riêng ứng phó xâm nhập mặn - biến đổi khí hậu, được đăng trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế.
Luận văn được đánh giá có tính ứng dụng rất cao, tôi thực hiện đề tài dựa trên kiến thức và những thực nghiệm đúc rút trong quá trình làm vườn của mình", anh Nguyễn nói.
Anh nhớ lại, khoảng 7 năm trước, người trồng sầu riêng thường chọn những giống quen thuộc như Ri6, chuồng bò. Những giống mới như MonThong, Musang King dù tiềm năng lợi nhuận cao nhưng ít người dám chọn.
Dày công làm cây "khó tính" nở hoa
Anh Nguyễn tự tin rằng mình đủ kiến thức để làm cho cây "khó tính" nở hoa, ra trái, đã đi ngược số đông và trồng thành công các giống mới. Không chỉ vậy, anh Nguyễn còn xử lý tốt cho vườn cây của mình ra trái nghịch vụ để bán được giá cao.
Nhờ kỹ thuật tốt, thạc sĩ nông dân vẫn cho sầu riêng đậu trái giữa mùa mưa (Ảnh: Nguyễn Cường).
"Sầu riêng chỉ đậu trái trong mùa khô, nhưng muốn có trái vụ nghịch phải xử lý cho cây ra bông giữa mùa mưa. Tôi phải khảo sát kỹ tính chất đất, áp dụng các biện pháp che chắn, thoát nước để làm cho vườn khô hạn dù trời mưa.
Đối với giống mới, kỹ thuật làm hoa có phần khó hơn, nhưng nhờ nắm vững kiến thức tôi đã làm được", anh Nguyễn cho biết.
Theo anh Nguyễn, sầu riêng mùa thuận giá khoảng 70 triệu đồng/tấn, mùa nghịch có thể bán được 110 triệu đồng/tấn, sầu riêng giống mới thì có thể bán với giá 130 triệu đồng/tấn. Chi phí để các vườn sầu riêng ra trái gần như tương đương nhau và chỉ chiếm phần nhỏ giá bán.
Khu vườn sầu riêng của anh cho trên 20 tấn trái mỗi năm và sản lượng đang tăng.
Với vườn sầu riêng sản lượng cao, bán được giá tốt, anh Nguyễn khẳng định mình đang là nông dân thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, thạc sĩ 9X cũng chia sẻ rằng có những lúc anh buồn và phiền vì bị nhiều người đàm tiếu, cho rằng anh "đi học phí hoài".
Dù thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhưng anh Nguyễn vẫn nhận nhiều đàm tiếu (Ảnh: Nguyễn Cường).
"Họ nói rằng nông dân thì cần gì học nhiều đến thế. Có người mang tôi ra so sánh với ông A, ông B không học hành cũng vẫn kiếm tiền tỷ.
Tôi là nông dân, nhưng có hiểu biết sâu về đất của mình, cây của mình và thị trường hướng đến. Tôi không trồng cây với suy nghĩ... nhờ trời", anh Nguyễn nói.
Dù bị nhiều đàm tiếu, anh Nguyễn vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho những người cầu thị. Anh cũng có kênh mạng xã hội chuyên về kiến thức chăm sóc sầu riêng, được nhiều người trong giới quan tâm.
Lãnh đạo huyện đoàn địa phương cho biết, mô hình trồng sầu riêng của anh Nguyễn được cơ quan này đánh giá rất cao, đồng thời đang có kế hoạch tổ chức cho thanh niên đến tham quan học tập.
Đăng thảo luận