Trung Quốc, quốc gia xử lý đất hiếm hàng đầu thế giới, vừa quyết định cấm công nghệ chiết xuất và phân tách các kim loại chiến lược này trong động thái bảo vệ vị trí độc tôn của mình.
Đất chứa nhiều đất hiếm được đưa lên tàu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc Ảnh: AFP - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Lệnh cấm đưa ra ngày 21-12 được coi là động thái đáp trả các nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Bắc Kinh giải thích lệnh cấm nhằm bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, nhưng phương Tây cho rằng đây là chiến lược giữ sự thống trị của quốc gia 1,4 tỉ dân.
Giá trị chiến lược
Bộ Thương mại Trung Quốc đã lấy ý kiến người dân từ cuối năm ngoái về việc đưa các công nghệ liên quan, gồm chiết xuất, phân tách và nấu chảy đất hiếm, vào danh mục công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất vật liệu hợp kim và kim loại đất hiếm cũng như công nghệ của một số nam châm đất hiếm.
Trong cuộc chiến leo thang với phương Tây về quyền kiểm soát các khoáng sản quan trọng, Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể các quy định xuất khẩu một số kim loại trong năm nay. Nước này đã ban hành giấy phép xuất khẩu đối với vật liệu sản xuất chip gali và germani vào tháng 8, sau đó là các yêu cầu tương tự đối với một số loại than chì kể từ ngày 1-12.
Đất hiếm là nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để chế tạo nam châm biến năng lượng thành chuyển động để sử dụng trong vô số thiết bị điện và điện tử, từ chip điện thoại, xe điện, tuốc bin gió cho đến thiết bị quân sự. Trái ngược với tên gọi, nhóm nguyên tố kim loại thiết yếu cho các công nghệ tiên tiến này tương đối phong phú. Tuy nhiên, chính đặc tính điện từ đặc biệt của chúng đã khiến chúng được săn lùng và trở thành "kim loại chiến lược".
Trung Quốc hiện là ông lớn trên thị trường đất hiếm, kiểm soát 3/4 lượng sản xuất toàn cầu. Dù đất hiếm tương đối dồi dào nhưng tồn tại ở nồng độ thấp và thường được tìm thấy trộn lẫn với nhau hoặc với các nguyên tố phóng xạ như uranium và thorium.
Điều đó khiến đất hiếm khó được tách khỏi các vật liệu xung quanh và quá trình xử lý có thể tạo ra chất thải độc hại. Theo Hãng tin Reuters, các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo đã giúp Trung Quốc xây dựng sự thống trị về đất hiếm trong những thập niên gần đây.
Cuộc đua bắt đầu
Lệnh cấm dự kiến sẽ có tác động lớn nhất đối với cái gọi là "đất hiếm nặng" mà Trung Quốc gần như độc quyền về tinh luyện, được sử dụng trong động cơ điện, thiết bị y tế và vũ khí. Việc thiếu nguồn cung các kim loại quan trọng, bao gồm tất cả các khoáng sản quan trọng không chỉ đất hiếm, đang trở thành vấn đề an ninh quốc gia ở phương Tây, đặc biệt là khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu có thể khiến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hơn trong tương lai.
"Đây là lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bất kỳ phần nào của chuỗi giá trị là không bền vững" - ông Nathan Picarsic, đồng sáng lập Công ty tư vấn địa chính trị Horizon Advisory, nhận định. Trong khi đó, ông Don Swartz, giám đốc điều hành của American Rare Earths ARR.AX của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh đang nỗ lực để duy trì sự thống trị thị trường của mình. "Bây giờ đây là một cuộc đua", ông nói.
Phương Tây và các đồng minh đã thức tỉnh từ nhiều năm trước, khi Trung Quốc từ chối xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong giai đoạn nóng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh sau đó đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm toàn cầu với lý do cố gắng giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn tài nguyên, tuy nhiên sau đó đã hủy bỏ sau khi Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sự kiện này khiến Tokyo, vốn phụ thuộc hầu hết vào Trung Quốc về đất hiếm, phải tìm nhà cung cấp thay thế và giảm tỉ trọng nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc xuống 58% vào năm 2018.
Thời gian qua, Úc, Canada, Mỹ, EU đã đưa ra các chính sách và gói hỗ trợ cho các lĩnh vực khoáng sản quan trọng, trong đó có đất hiếm. Dù Mỹ bắt đầu phát triển các mỏ đất hiếm trong nước nhưng Trung Quốc vẫn thống trị trong lĩnh vực tinh chế và chế biến. Các quốc gia khác như Mỹ thiếu cơ sở tinh chế đầy đủ, một phần do tác động môi trường, trong khi Trung Quốc đã tích lũy được công nghệ trong chế biến. Washington phải gửi phần lớn sản lượng đất hiếm sang Trung Quốc để xử lý trước khi tái nhập khẩu.
Theo một công ty nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh về cả xuất khẩu và nhập khẩu đất hiếm vào năm ngoái.
Bắc Kinh phô diễn sức mạnh
Việc cấm công nghệ chiết xuất và phân tách đất hiếm là động thái mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong hơn một thập niên qua. Nó đặt đất hiếm ở trung tâm "chiến tuyến" trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng trong lĩnh vực công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây.
Theo Hãng tin Bloomberg, quy định mới không ảnh hưởng đến việc vận chuyển đất hiếm nhưng sẽ ngăn cản những nỗ lực ban đầu nhằm phát triển ngành công nghiệp này bên ngoài Trung Quốc. "Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh của mình" - bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA, đánh giá.
Đăng thảo luận