Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ những năm qua, TP đã luôn quan tâm đến mục tiêu xây dựng người Hà Nội, trong đó coi công tác gia đình là nội dung quan trọng.
Thành ủy Hà Nội đã có các Chương trình 08-CTr/TU ngày 4/8/2006 (khóa XIV); Chương trình 04-CTr/TU (khóa XV, XVI); Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”); Kế hoạch số 57 ngày 30/12/2021 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong thình hình mới… nhằm chỉ đạo thống nhất mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội từ TP tới cơ sở.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong trò chuyện, động viên gia đình văn hóa tiêu biểu - bà Nguyễn Thị Vinh Quy (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Lại TấnNhiệm vụ nặng nề trên đòi hỏi người Hà Nội vừa phải giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, vừa phải phát triển bản thân mình về mọi mặt, trở thành con người thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực về công tác gia đình, Sở đã tập trung triển khai những nội dung chính như: xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…
Đặc biệt, Sở VH&TT Hà Nội xác định xây dựng gia đình văn hóa là nội dung tiền đề quan trọng để xây dựng những mẫu hình văn hóa, gắn kết chặt chẽ trong triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Thành quả đáng ghi nhận là 100% các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội từ TP đến cơ sở đã triển khai hiệu quả công tác gia đình thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa
Phần giao lưu, tọa đàm tại hội nghị đã mang đến những câu chuyện cảm động và những kinh nghiệm quý báu từ các gia đình văn hóa tiêu biểu.
Điển hình như gia đình anh Chu Quang Ưng ở thôn Nhông Nương Tụ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì - một gia đình nhà giáo gương mẫu. Cả hai vợ chồng đều anh là giáo viên nhưng luôn nỗ lực sắp xếp thời gian hợp lý để chăm sóc, giáo dục con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng. Kết quả là các con trong gia đình đều ngoan ngoãn, học giỏi, là tấm gương sáng cho nhiều gia đình học tập.
Phần giao lưu, tọa đàm tại hội nghị với các gia đình văn hóa tiêu biểu tại hội nghị. Ảnh: Lại TấnChia sẻ tại tọa đàm, bà Đào Thị Hoa thuộc Tổ dân phố số 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân gây xúc động khi kể về những hoạt động thiện nguyện, từ thiện mà gia đình bà đã thực hiện trong nhiều năm qua. Là một gia đình chính sách, gia đình bà không chỉ giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền mà còn tích cực đóng góp cho cộng đồng, được chính quyền địa phương và TP ghi nhận, biểu dương.
Đặc biệt ấn tượng là câu chuyện về gia đình bà Đỗ Thị Phượng ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh - một gia đình có bốn thế hệ cùng chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà cổ trăm năm tuổi. Với truyền thống cách mạng của gia đình, bà Phượng đã dày công giáo dục con cháu về đạo đức, lối sống, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp. Gia đình bà là minh chứng sinh động cho việc gìn giữ nền nếp gia phong trong thời đại mới.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà trao Bằng khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Lại TấnĐiểm nhấn của hội nghị là việc tuyên dương 87 gia đình tiêu biểu được TP tặng danh hiệu gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Mỗi gia đình là một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng về xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Lãnh đạo TP Hà Nội chụp ảnh cùng các gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Lại TấnThời gian tới, TP Hà Nội kêu gọi các gia đình tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc và của Thăng Long nghìn năm văn hiến. Đồng thời khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, anh hùng, hữu nghị, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đăng thảo luận