Khi sang Australia đi học, tôi mới mạnh dạn đem theo chai và uống nước một cách thoải mái.

Sự khác biệt lớn nhất trong hành trang đi học ở Australia và ở Việt Nam là gì? Đó là một chai nước. Đúng vậy, ít ra thì đây cũng là kết luận của tôi.

Nguyên nhân khiến tôi đem theo chai nước vào lớp học ở Australia là bởi vì tôi muốn uống nước. Còn nguyên nhân khiến tôi không đem theo chai nước vào lớp học ở Việt Nam là bởi vì tôi muốn uống nước nhưng loay hoay không biết nên đi vệ sinh hay không.

Tôi lờ mờ nhận ra có gì đó không ổn khi bước vào ngôi trường cấp hai. Nhà vệ sinh của trường thì rất hỡi ôi, cứ gọi là có cũng như không. Căn tin luôn có bán nước nhưng học sinh chả mấy ai đem theo nước uống.

Trên thực tế thì giữa giờ chơi một số bạn có mua gì đấy để uống, nhưng đa phần là không. Việc đi vệ sinh thì về nhà mà đi.

Cũng như mọi học sinh khác, tôi thích nghi khá nhanh với "chu kỳ" này. Sau khi vào tuổi dậy thì các bạn nữ đều trở nên siêu đẳng trong việc "quản lý bản thân" để không phải vào nhà vệ sinh.

Rồi những buổi học thêm lúc chiều, tới tận nhà cô giáo... Rồi đi học thêm tiếng Anh vào buổi tối. Toàn bộ "lịch" dùng nhà vệ sinh đều được xây dựng chung quanh việc, lúc nào thì về nhà.

Tôi không nghĩ ngợi nhiều về điều đó bởi vì ai cũng thế.

Sang tới Australia, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng các bạn đều đem theo chai nước để uống hàng ngày. Nếu không thì các vòi nước cũng luôn sẵn sàng phục vụ, và rất nhiều người cắm cúi uống nước ở các vòi này. Tôi cũng ngay lập tức học hỏi theo các bạn, cầm theo chai nước và uống liên miên.

Tất cả những chuyện này quả thực nhỏ nhặt, không có gì đáng nói, và trước giờ tôi cũng không nghĩ tới. Tôi chỉ nghĩ tới khi liên tiếp đọc phải những bài báo nói về tỷ lệ bị bệnh thận ở Việt Nam.

Vì sao tỷ lệ bị bệnh thận ở Việt Nam cao tới như vậy? Bệnh thận có một số nguyên nhân khác nhau, nhưng chỉ có một vài thứ là con người có thể làm để giúp hai quả thận của mình. Quan trọng nhất vẫn là uống nước.

Vậy mà từ nhỏ tôi vẫn thường xuyên được "dạy dỗ" theo kiểu, cần phải "quy củ" chuyện đi vệ sinh. "Quy củ" không phải là đi đúng chỗ, đúng lúc, mà là đừng có đi vệ sinh ở chỗ không phải là nhà. Với lịch trình "không ở nhà mấy", thì chỉ có một cách, đó là giảm uống nước.

Giải quyết nhu cầu "xả" là cách hiệu quả nhất để tăng chừng uống nước, và uống nước là cách hiệu quả nhất để bảo quản thận.

Ăn mặn là thói quen tồn tại của người Việt từ thời xa xưa, nhưng lúc đấy ông bà ta vẫn làm nông, toát mồ hôi thì muối lại tiết ra, mà chỉ quanh quẩn ruộng đồng thì uống bao nhiêu nước cũng được, "đi đồng" lúc nào cũng sẵn.

Khi xã hội trở nên công nghiệp hóa, nhiều người phải ra khỏi nhà để làm việc nhưng những nơi để phục vụ nhu cầu "xả" không đủ đáp ứng thì con người phải thích nghi. Cách thích nghi là giảm uống nước, và hậu quả là suy thận.

Bệnh thận tiến triển không triệu chứng, vì vậy ít ai chịu quan tâm, và khi có triệu chứng thì đã muộn. Cũng vì vậy nên ít ai chịu xâu chuỗi sự kiện để lần về nguyên nhân.

Những hậu quả nặng nề của bệnh thận thì không có gì để nói nổi. Trong các bạn bè của lớp tôi hồi cấp ba, đã có một bạn bị bệnh thân khi hãy còn U40.

Tăng cường sự hiện diện của nhà vệ sinh sạch sẽ và luôn uống đủ nước là hai mệnh đề đi liền với nhau. Chúng ta kêu gọi người dân uống đủ nước từ trong những tòa nhà với nhà vệ sinh "ai cũng sợ" thì sẽ không xử lý được gì.

Nhà vệ sinh thật ra là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Nó không phải chỉ là vấn đề "xả", mà còn ảnh hưởng lâu dài tới hai quả thận của mỗi người.

Khanh Huỳnh