Phong trào xoá nhà tạm không chỉ giúp người dân vùng biên an cư lạc nghiệp mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các thôn/làng nông thôn mới ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Nhà ở là một trong ba nhu cầu cơ bản, thiết yếu và cốt lõi nhất của mỗi người, đặc biệt là các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở cho nhân dân, nhất là các hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn, khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lụt, đặc biệt là các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước, đã có hàng triệu hộ gia đình thuộc diện gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ vốn để cải thiện nhà ở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, yên tâm lao động, sản xuất xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước hiện vẫn còn 18.338 căn nhà ở cần được hỗ trợ. 

Xoá nhà tạm, xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp  第1张 Ảnh minh hoạ

Điện Biên: Sau 9 tháng triển khai đưa vào sử dụng 5.000 căn nhà

Cuối tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tổng kết thực hiện Đề án Hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Số liệu thống kê cho hay, sau 9 tháng triển khai, đến ngày 24/1/2024, Điện Biên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 5.000 căn nhà cho hộ nghèo; trong đó 1.818 nhà xây, 1.894 nhà gỗ truyền thống, 1.288 nhà khung sắt.

Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên. Tổng kinh phí làm nhà 489,4 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Đề án 09 là 250 tỷ đồng.

Gia Lai: Hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm rẫy

Thời gian qua, mặc dù việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2018, mô hình “làng NTM vùng đồng bào DTTS” của tỉnh Gia Lai đã ra đời. Đến nay, thói quen sinh hoạt, tập quán của người dân đã từng bước thay đổi theo hướng văn minh; bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ và khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao...

Đặc biệt, mới đây, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 556/KH-UBND ngày 12/3/2024, đưa ra mục tiêu 92% người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; về bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, phấn đấu giải quyết cho khoảng 50% số hộ DTTS thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất.

Kế hoạch này không chỉ giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, nhiều địa phương ở Gia Lai còn triển khai hiệu quả các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do cho 840 hộ, trong đó có 450 hộ di cư tự do từ các tỉnh khác đến.

Việc triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, Gia Lai đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm rẫy, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Đắk Lắk: Bộ đội Biên phòng tiếp sức xoá nhà tạm

Tỉnh Đắk Lắk có 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Để tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động nhân lực, phối cùng các nhà hảo tâm xây dựng nhiều nhà Đại đoàn kết.

Qua đó không chỉ giúp người dân vùng biên an cư lạc nghiệp mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp.

Buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) nằm sâu trong lõi Vườn quốc gia Yok Đôn có 8 dân tộc cùng sinh sống với 144 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, đất sản xuất hạn hẹp. Vì vậy, đời sống người dân còn khó khăn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, để hỗ trợ nhân dân khu vực biên giới sớm ổn định đời sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2019-2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhà hảo tâm triển khai xây dựng hàng chục ngôi nhà tặng hộ khó khăn ở khu vực biên giới.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây dựng, bàn giao 12 nhà Đại đoàn kết cho các gia đình ở vùng biên. Qua đó, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, tiếp sức cho người dân xóa đói giảm nghèo và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.