Nhiều ý kiến cho rằng cần sử dụng công nghệ giám sát và quản lý cây xanh; các đơn vị quản lý cây xanh, cấp thoát nước, điện lực… cần phối hợp chặt chẽ; thành lập bệnh viện cây xanh…

TS LA VĨNH HẢI HÀ - Trường Đại học Nông Lâm TP HCM:

Tạo nên môi trường sống xanh, an toàn

Để cây xanh đô thị vừa phát triển vừa bảo đảm an toàn, các đơn vị chức năng cần thường xuyên kiểm tra cây khuyết tật, có kế hoạch chặt hạ hoặc di dời cây khi cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Hạn chế bê-tông hóa, bảo đảm cây xanh được trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật.

Đặc biệt, cần sử dụng các thiết bị công nghệ giám sát và quản lý cây xanh để theo dõi tình trạng sinh trưởng và phát triển của cây. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò quan trọng của cây xanh đô thị; khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, trồng và chăm sóc cây xanh, tạo một môi trường sống xanh và an toàn.

GS-TS NGUYỄN HỮU DŨNG - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam:

Chạy theo số lượng, chưa quan tâm chất lượng

Việc trồng cây xanh tại nhiều đô thị của nước ta đang chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Cây xanh đô thị cần bảo đảm sinh trưởng tốt, an toàn và thẩm mỹ.

Cần nhanh chóng rà soát lại các quy định, từ đó đưa ra những hướng dẫn chi tiết về trồng, chăm sóc cây xanh trong đô thị. Ngoài ra, cần có những quy định, hướng dẫn rõ ràng đối với những loại cây nguy hiểm.

Cây xanh là một trong những hạng mục của hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị lớn của nước ta đang có tình trạng chồng chéo nhau. Tức là cùng trên một tuyến phố, cây xanh phải chịu sự tác động của hệ thống thoát nước, đường dây điện, đường dây cáp… Ngay cả những khu đô thị mới xây dựng cũng chưa chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Do đó, trong quy hoạch phát triển đô thị, cần có những quy định mang tính đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các đơn vị quản lý về cây xanh, cấp thoát nước, điện lực… cần phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tránh tác động tiêu cực đến cây xanh đô thị.

KTS TRƯƠNG NAM THUẬN - Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh:

Dùng nhiều phương pháp, công cụ

Trên thế giới, nhiều phương pháp và công cụ đã được phát triển để đánh giá, theo dõi sức khỏe của cây xanh.

 An toàn cho không gian xanh ở TP HCM (*): Đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật 第1张

Cây xanh lâu năm trong Công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM) được tổng kiểm tra, tỉa nhánh vào giữa tháng 8-2024. Ảnh: ÁI MY

Cụ thể: Phân tích cành lá và rễ - lấy mẫu cành lá và rễ cây để phân tích các chất dinh dưỡng, mức độ nhiễm bệnh hoặc các yếu tố gây hại khác. Sử dụng cảm biến và công nghệ vệ tinh - các cảm biến và hình ảnh vệ tinh có thể được sử dụng để theo dõi sức khỏe của cây xanh trong một khu vực rộng lớn. Công nghệ này giúp phát hiện các thay đổi bất thường trong màu sắc và cấu trúc của tán lá, từ đó xác định được cây nào cần được chăm sóc. Chụp ảnh cắt lớp bằng sóng âm - là phương pháp không xâm lấn, giúp phát hiện các vấn đề bên trong thân cây, như vết nứt hoặc vùng rỗng, mà mắt thường không thể thấy được. Phân tích sức khỏe sinh thái bằng chỉ số thực vật - sử dụng các chỉ số sinh thái để đánh giá mức độ xanh tươi và sức sống của cây xanh. Các chỉ số này thường được tính toán từ dữ liệu vệ tinh hoặc cảm biến mặt đất.

Đối với TP HCM, nơi mà tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và dân số đang ngày càng đông, việc có một bệnh viện cây xanh chuyên sâu sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bệnh viện này có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc cây xanh toàn diện. Việc theo dõi sức khỏe, điều trị các bệnh lý và tư vấn về biện pháp phòng ngừa, cải thiện sức khỏe cây xanh là những nhiệm vụ quan trọng. Khi cây xanh được chăm sóc kịp thời và đúng cách, các sự cố như ngã đổ trong mùa mưa bão hoặc chết do thiếu nước có thể được ngăn chặn hiệu quả hơn. Bệnh viện cây xanh chuyên sâu còn giúp tăng cường khả năng chống chịu của cây trước các yếu tố môi trường…

Để hiểu rõ hơn về sự cần thiết của bệnh viện cây xanh, chúng ta có thể tham khảo từ các đô thị lớn trên thế giới. TP New York - Mỹ đã thiết lập chương trình "TreesCount!" nhằm theo dõi sức khỏe cây xanh và cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo trì. New York còn có tổ chức NYC Tree Trust chuyên cải thiện và bảo vệ sức khỏe cây xanh, tư vấn cho chính quyền địa phương và cộng đồng.

Tại London - Anh, chương trình "Tree and Woodland strategy" đã hình thành các trung tâm nghiên cứu và bảo trì cây xanh, tập trung vào việc chăm sóc cây trong các công viên và khu vực đô thị. Các trung tâm này thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cây, điều trị bệnh lý và nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí với cây xanh.

Singapore, nổi tiếng với chính sách "City in a garden", cũng đã đầu tư phát triển các trung tâm chăm sóc cây xanh chuyên sâu. Cơ quan Quản lý Công viên quốc gia Singapore (NParks) điều hành các bệnh viện cây xanh và trung tâm nghiên cứu, nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc, bảo trì và nghiên cứu về cây xanh đô thị...

Việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh, nhất là trong các đô thị lớn như TP HCM, không thể chỉ dừng lại ở việc trồng và duy trì cây xanh một cách đơn giản. Sự phát triển đô thị nhanh chóng và việc gia tăng dân số đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với hệ thống cây xanh, từ ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu đến sự thay đổi trong điều kiện sống của cây. 

Vai trò quan trọng của "bác sĩ cây"

Tại Singapore, các "bác sĩ cây" thường dùng kỹ thuật Visual Tree Assessment (VTA - tạm dịch: đánh giá cây bằng mắt) để kiểm tra một cách hệ thống từ hình dạng, rễ, thân đến nhánh trước khi "kê đơn" điều trị cho cây xanh. VTA đã được Hiệp hội Trồng cây quốc tế (ISA) - một tổ chức uy tín, có trụ sở tại Mỹ - công nhận.

Ngoài ra, các chuyên gia Singapore còn ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, như "đo độ bền gỗ" (dùng mũi khoan rất nhỏ để kiểm tra bên trong thân hoặc cành cây có khiếm khuyết gì hay không), "chẩn đoán siêu âm" (đặt nhiều cảm biến quanh thân cây, truyền âm thanh từ nhiều điểm khác nhau của cây đến những cảm biến này, từ đó biết được cây có bị mục ruỗng bên trong hay không)… Trường hợp cây bị hư hại đến mức phải thay thế thì cây con được trồng mới cần phải đáp ứng được tính đa dạng của cây xanh đô thị.

Toàn bộ tiến trình chăm sóc cây xanh đô thị nêu bật vai trò quan trọng của các "bác sĩ cây". Tại nhiều nước phát triển, chỉ các chuyên gia có bằng cấp được chứng nhận mới được phép xử lý cây xanh đô thị. Theo Bernama, Singapore có khoảng 400 "bác sĩ cây" được ISA chứng nhận, trong khi Malaysia có khoảng 150 người.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8