Hàng loạt các câu hỏi về chính sách thuế, tỷ lệ nội địa hóa và đặc biệt là giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong thời gian tới đã được các đại biểu đặt ra và thảo luận tại Tọa đàm về "Công nghiệp ôtô Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?" tổ chức tại Hà Nội ngày 24/5.
Đánh giá về những tác động của việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) về ôtô, bà Nguyễn Ánh Tuyết - đại diện VAMA, cho biết đến nay Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 FTA; trong đó có nhiều FTA đã cam kết về ôtô nguyên chiếc và có lộ trình giảm thuế nhập khẩu của xe ôtô nguyên chiếc về 0%, điển hình là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 0% từ năm 2018; Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và EU (UK/EVFTA) 0% từ năm 2028; Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 0% từ 2027…
"Đây là một cơ hội rất lớn cho thị trường ôtô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Trong thực tế, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu" - bà Tuyết nói.
Cũng theo bà Tuyết, nhờ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với lộ trình giảm mạnh thuế nhập khẩu. Cụ thể, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.
Điều này cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần sản xuất ôtô Huyndai Thành Công Việt Nam. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Đăng thảo luận