(NLĐO) - Một nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người hút thuốc cũng giảm được nguy cơ ung thư phổi với một thay đổi nhỏ trong chế độ ăn.
Nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện trực thuộc Số 2 của Đại học Y Trùng Khánh - Trung Quốc đã điều tra mối liên hệ giữa chế độ ăn và nguy cơ ung thư phổi trên hơn 98.400 người từ 55 tuổi trở lên với thời gian theo dõi trung bình 8,8 năm.
Kết quả cho thấy căn bệnh trước giờ hay được liên kết với yếu tố nguy cơ chính là thuốc lá này còn bị tác động không nhỏ bởi một yếu tố khác: Chất béo trong chế độ ăn.
Loại thực phẩm bạn chọn hoặc loại chất béo bạn dùng để nấu ăn có thể ảnh hưởng lớn đến nguy cơ ung thư phổi - Ảnh AI: Anh Thư
Theo bài công bố trên tạp chí The Journal of Nutrition, Health and Aging, việc tuân thủ chế độ ăn ít chất béo làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư phổi ở tất cả các phân nhóm ung thư phổi.
Đó là những người có chế độ ăn mà lượng calo từ chất béo chiếm ít hơn 30% tổng lượng calo nạp vào trong ngày. Nếu họ tiêu thụ nhiều chất xơ, trái cây và vitamin C, lợi ích càng tăng.
Ngược lại, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh này.
Chất béo bão hòa là dạng chất béo được tìm thấy trong mỡ đa số động vật hay một số loại dầu nhiệt đới như dầu cọ, dầu dừa. Các món ăn ngọt, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn... cũng thường chứa nhiều chất béo này.
Còn chất béo không bão hòa đến từ các loại dầu "tốt" như các loại dầu ô liu, đậu phộng, hạt cải, hướng dương, đậu nành...; các loại đậu và hạt; cá.
Đặc biệt, tác động của chế độ ăn lên nguy cơ ung thư phổi rõ ràng nhất ở những người có hút thuốc, bởi nhóm này có nguy cơ ung thư phổi vốn đã cao hơn người khác rất nhiều.
Tuy vậy, do tác động của thuốc lá rất lớn nên người hút thuốc dù có chế độ ăn uống tốt thì nguy cơ mắc ung thư phổi vẫn cao hơn người chưa bao giờ hút thuốc.
Các tác giả cũng cho biết có nhiều cơ chế giải thích cho tác động của chất béo trong chế độ ăn với ung thư phổi.
Đăng thảo luận