Khoai, sắn lên đời
Khoai, sắn (củ mì)… vốn là món ăn của con nhà nghèo ngày trước, vậy mà ngày nay đã trở thành nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon không chỉ có mặt ở nhà hàng mà còn để xuất khẩu.
Tâm huyết với nguyên liệu quê từ củ mì, anh Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (Tây Ninh) đã cho ra nhiều dòng sản phẩm bánh tráng làm từ bột khoai mì và xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…
“Chúng tôi đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu bánh tráng từ bột khoai mì, dành toàn bộ vốn liếng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất. Sau không biết bao nhiêu lần thất bại, bị đối tác chê… cuối cùng Tân Nhiên đã có thể mỉm cười khi có thể làm ra được sản phẩm bánh tráng từ khoai mì như ý, trắng trong, mỏng và có thể cuốn trực tiếp mà không cần phải nhúng nước. Bánh tráng Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, mà còn xuất hiện ở siêu thị tại nhiều quốc gia, cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng phân khúc”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên bộc bạch.
Bánh tráng từ củ sắn mì xuất khẩu ra thế giới
Cũng khởi nghiệp từ củ mì và đến nay đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm, anh Mai Tuấn Anh, nhà sáng lập Cusami Kitchen (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, hàng loạt sản phẩm từ củ sắn mì với thương hiệu riêng của Cusami Kitchen do anh tự mày mò sáng tạo đã được đưa ra thị trường thời gian qua và được khách hàng đón nhận tích cực.
“Nguyên liệu củ mì được chế biến rất kỹ để loại bỏ hết các độc tố nhưng vẫn giữ lại những thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, sản phẩm lành mạnh dành cho người béo phì, tiểu đường và các bệnh rối loạn chuyển hóa, muốn giảm cân… Đó là lý do tôi cố gắng sáng tạo, tìm tòi và giới thiệu đến với nhiều người”, anh Tuấn Anh bộc bạch.
Tại thị trường nội địa, anh Tuấn Anh đang tìm kiếm đối tác cùng chung ý tưởng để nhượng quyền “0 đồng” từ các loại bánh làm từ củ sắn mì. Nhà sáng lập Cusami còn ấp ủ ý định xuất khẩu dòng bánh củ mì nhân thịt cấp đông sang thị trường Mỹ.
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính, Cusami Kitchen sẽ xây dựng trang trại trồng khoai mì đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USDA, đồng thời phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm từ củ khoai mì để người Việt Nam trên khắp thế giới có thể sử dụng được các món ăn từ nông sản Việt.
Một doanh nông trẻ khởi nghiệp khác là anh Dương Ngọc Ảnh. Tại miền quê nghèo xứ Quảng, anh đã nâng tầm món phở sắn – món ăn sáng tạo của người dân Quế Sơn từ gần trăm năm, biến nó trở thành đặc sản đậm hương vị quê nhà. Phở sắn với thương hiệu Caromi của anh Ngọc Ảnh còn được nhuộm màu với các loại rau củ như nghệ, gấc… giúp món ăn thêm bắt mắt. Phở sắn Caromi đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng ở Mỹ, Thái Lan; Caromi còn tạo công việc ổn định cho nhiều lao động tại quê nhà.
Nhân viên Cusami Kitchen chế biến bánh ú, bánh giò từ khoai mìNâng tầm nông sản Việt
Đưa nông sản quê làm nguyên liệu chế biến tạo ra các món ăn, thức uống độc đáo ngày càng được nhiều doanh nghiệp hướng đến. Từ lò bánh tráng truyền thống của gia đình, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi) đã cho ra nhiều sản phẩm mới như phở, bún, bánh tráng, miến đậu có nguyên liệu chính từ dưa hấu, thanh long với thương hiệu riêng của công ty.
Theo anh Toàn, nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng luôn chịu cảnh “được mùa mất giá”. Làm cách nào để đưa nông sản vào chế biến sâu để tăng giá trị trên thị trường là điều trăn trở của chàng giám đốc trẻ. Từ suy nghĩ này, đội ngũ Duy Anh Foods đã bắt tay nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm độc đáo. Hiện tại sản phẩm của Duy Anh Foods không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 48 quốc gia.
Chọn các nguyên liệu ít ai ngờ như khoai môn, trái nhàu, đậu xanh… vào cà phê nguyên chất để tạo thành cà phê trái cây, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu cho biết, nông sản bản địa tại Việt Nam cực kỳ quý, nhưng do chúng ta chưa biết cách khai thác tận dụng. Vì vậy, từ Úc, ông Luận đã quyết định trở về quê hương khởi nghiệp bằng việc nghiên cứu hướng đi mới cho nông sản bằng cách đưa ra các dòng sản phẩm riêng, với khát khao nâng cao giá trị của nông sản Việt trên trường quốc tế.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Luận nói rằng, hàng Việt Nam nói chung và nông sản Việt nói riêng muốn vươn xa trên thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp làm nông nghiệp có sự sáng tạo, biết “thổi hồn” ở khâu chế biến để tạo nên những sản phẩm mới mang tính đặc trưng, đậm bản sắc của địa phương và không ngừng cải tiến chất lượng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhìn nhận, nếu cạnh tranh về công nghệ so với một số quốc gia tiên tiến, chúng ta có thể thua, nhưng cơ hội cho các nhà sản xuất của Việt Nam là tận dụng được những nguyên liệu bản địa mà quốc gia khác lại không có. Theo bà Hạnh, tín hiệu tích cực là đang dần xuất hiện một tầng lớp những nhà sản xuất trẻ, có niềm say mê khai thác các tài nguyên bản địa của quê hương.
“Nếu không có những cá nhân, doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm làm giàu từ sản phẩm bản địa,chúng ta sẽ khó có thể tạo giá trị gia tăng cho nông nghiệp Việt Nam. Và giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy hàng Việt, thực phẩm Việt Nam đi ra thế giới”, bà Hạnh nói.
Xem nhiềuKinh tế
Thống nhất nghỉ Tết 9 ngày, vì sao nhiều nơi kéo dài 11 hôm?
Kinh tế
Giá vàng nhẫn mỗi ngày một kỷ lục mới
Kinh tế
Rao bán tòa nhà Landmark 72 cao 'chọc trời' Hà Nội
Kinh tế
Vụ việc nào bị kiểm toán chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra?
Xã hội
Đăng thảo luận