TTO - Một ủy ban định giá đất rừng do chính phủ Ấn Độ thành lập đã xác định, giá trị rừng Ấn Độ hiện là 1.700 tỉ USD, cao hơn cả GDP của Nga và Canada.
Rừng Ấn Độ - Ảnh: Reuters |
Theo báo Quartz, trên thực tế, mức định giá này vẫn thấp hơn GDP của Ấn Độ là khoảng 2.100 tỉ USD, nhưng cao hơn GDP của các nước như Canada, Hàn Quốc, Mexico và Nga.
Đây là kết quả thẩm định giá trị đất rừng Ấn Độ do một ủy ban các chuyên gia được chính phủ Ấn Độ thành lập năm 2013.
Ủy ban này được yêu cầu xác định giá trị hiện tại thuần (hay còn gọi là 'giá trị hiện tại ròng' - Net Present Value - NPV) của đất rừng để có căn cứ bồi thường trong trường hợp đất rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Giáo sư Madhu Verma thuộc Viện quản lý rừng Ấn Độ (IIFM), một trong hai đơn vị tham gia ủy ban, cho rằng: "Những số liệu này dứt khoát gây bất ngờ. Khi anh đặt giá cho đất rừng, tức là khi anh đã bắt đầu quan tâm nghiêm túc tới nó".
Theo báo Hindustan Times, Bộ môi trường Ấn Độ đã thông qua báo cáo định giá NPV của ủy ban các chuyên gia.
Kể từ năm 1980, chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận chuyển đổi 1,29 triệu héc-ta đất rừng cho các mục đích phi lâm nghiệp. Ấn Độ có tổng cộng khoảng 70 vạn km2 đất rừng, tăng 0,54% trong hai năm qua.
Với kết quả thẩm định giá trị NPV mới được thông qua, mỗi héc-ta đất rừng sẽ rơi vào khoảng từ 987.000 rupee - 5.555.000 rupee (14.776 - 83.162 USD).
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan, tổ chức khác buộc phải trả cho chính quyền một khoản phí nhất định để được phép triển khai các dự án của họ trên khu vực có diện tích đất rừng.
Tháng 5 năm nay, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi đã quyết định sửa đổi một luật quan trọng liên quan tới rừng, với hy vọng tăng diện tích bao phủ rừng trên tổng diện tích lãnh thổ nước này từ 21,34% lên 33%.
Tuy nhiên ngay cả với mức định giá NPV mới, nhiều chuyên gia vẫn cho là chưa đủ. Giáo sư Verma nói: "Anh thực sự không thể nào thay thế được rừng. Đó không phải là một loại sản phẩm có thể đem bán ra thị trường để đổi về một cái gì khác".
Đăng thảo luận