Trong khuôn khổ “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4,” chiều 22/8, tại Thủ đô Hà Nội, diễn ra song song các phiên chuyên đề.
Tại 2 phiên chuyên đề: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam” và “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước,” các chuyên gia, trí thức kiều bào nhận định Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch và cần chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư của lĩnh vực đóng gói.
Cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch
Phiên chuyên đề “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam” gồm 2 chủ đề: “Vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam” và “Vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam” đã trở thành cầu nối quan trọng giữa cộng đồng kiều bào và đại diện doanh nghiệp trong nước với nhiều giải pháp thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)…, ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh (kiều bào Nhật Bản), Chuyên gia phát triển sản phẩm bán dẫn, cho rằng ngành công nghiệp vi mạch toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do dịch chuyển công nghiệp, căng thẳng địa chính trị và sự tập trung của chuỗi cung ứng tại một số khu vực cụ thể.
Theo ông Mai Khanh, tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch hiện dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này.
Kiến nghị một số đề xuất để phát triển ngành này tại Việt Nam, kiều bào Nhật Bản nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực. Theo đó cần tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về ngành này; thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu; có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài...
Cùng với đó, kiều bào Nhật Bản đề xuất tập trung vào khâu thiết kế, đóng gói và kiểm thử; đầu tư vào thiết kế vi mạch Analog và high-speed (lĩnh vực phù hợp với năng lực và sự sáng tạo của giới trẻ, sinh viên Việt Nam, đặc biệt liên quan đến môn Toán, Lý); hỗ trợ bản quyền và sở hữu trí tuệ và hợp tác đồng bộ giữa các tập đoàn công nghệ và viện-trường đại học...
Đăng thảo luận