(NLĐO) - Một nghiên cứu mới cho thấy các chiến lược phòng thủ hành tinh không nên bỏ qua một dạng vật thể lạ lùng và vô cùng bất ổn, biệt danh "sao chổi tối".

"Sao chổi tối" là biệt danh mà các nhà khoa học đặt cho một số vật thể vũ trụ kỳ lạ được phát hiện gần đây, tồn tại nửa như tiểu hành tinh, nửa như sao chổi.

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Icarus cho thấy "sao chổi tối" không chỉ kỳ lạ mà còn nguy hiểm hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

 Một loại vật thể lạ là mối đe dọa lớn cho Trái Đất 第1张

Một dạng vật thể "lai" giữa sao chổi và tiểu hành tinh có thể là sát thủ đáng sợ đối với Trái Đất - Ảnh AI: Anh Thư

Thông thường, sao chổi rất khác biệt so với tiểu hành tinh.

Sao chổi đến từ vùng ngoài cùng của hệ Mặt Trời, có quỹ đạo ổn định, đôi khi bị nhiễu loạn bởi tương tác hấp dẫn với các hành tinh khổng lồ, đi về phía Mặt Trời và bị ngôi sao nóng bỏng này làm cho tan rã dần. Chính quá trình này tạo ra chiếc đuôi kỳ ảo.

Ngược lại, các tiểu hành tinh thường sống trong khu vực "hệ Mặt Trời bên trong", phần lớn là giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Chúng cứng hơn nhiều so với sao chổi, nên có thể tồn tại lâu hơn nhiều ở khu vực gần Mặt Trời. Đôi khi chúng cũng rơi vào quỹ đạo không ổn định, tiến gần hoặc thậm chí đâm sầm vào Trái Đất.

"Sao chổi tối", chỉ mới được xác định gần đây, thể hiện một trạng thái thứ 3 kỳ lạ.

Dạng vật thể này có kích thước nhỏ, bề ngang lớn nhất chỉ vài chục km. Khác với sao chổi, chúng không cho thấy sự thoát khí hoặc bốc hơi có thể nhìn thấy của các nguyên tố dễ bay hơi như nước.

Chúng cũng không di chuyển theo quỹ đạo hoàn hảo. Chúng cho thấy bằng chứng về gia tốc phi trọng lực - ngụ ý rằng có một số lực khác có khả năng nhẹ nhàng đẩy quỹ đạo của chúng - theo một cách khác thường.

Tất cả các vật thể nhỏ trong hệ sao của chúng ta, bao gồm cả tiểu hành tinh, đều có một gia tốc phi trọng lực nhất định, nhưng các nhà thiên văn học thường có thể xác định được nguyên nhân.

Ví dụ, các tiểu hành tinh được Mặt Trời làm nóng không đều, gây ra sự dịch chuyển nhỏ nhưng có thể đo được trong quỹ đạo của chúng.

Nhưng gia tốc phi trọng lực của sao chổi tối không tương thích với sự gia nhiệt không đều, cho thấy có một "thế lực" nào khác tác động đến nó. Sự thoát khí "bắt chước" sao chổi, không nhìn thấy được, có thể góp phần.