Phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 được Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 20/9, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh mỗi ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện,” để làm sao các chính sách hỗ trợ được đưa vào cuộc sống, tới đúng đối tượng thụ hưởng và phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh.
100.000 tỷ đồng dư nợ ngân hàng bị ảnh hưởng bởi bão
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Những ngày này bão lũ đã qua đi, nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân.
“Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng trên 100.000 tỷ đồng với gần 85.000 khách hàng,” Thống đốc cho biết.
“Cần mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, phục hồi sau bão số 3"
Nhằm tạo điều kiện khách hàng phục hồi sau cơn bão số 3, Phó Thống đốc mong muốn TCTD trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ) gồm 25 tỉnh, thành tại địa bàn. Thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Trong đó, gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay theo Nghị định 55 (lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng trọt, chăn nuôi...) với tổng số khoảng trên 10.700 khách hàng (tổng dư nợ ảnh hưởng trên 5.500 tỷ đồng, tổng dư nợ dự kiến phải cơ cấu nợ là trên 1.700 tỷ đồng).
Ông Vượng cho biết Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ đối với khách hàng trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... với lãi suất ưu đãi.
Đăng thảo luận