Việc lựa chọn nơi thực tập có lương hay không, mỗi sinh viên cần cân nhắc về mặt lợi ích để phát triển nghề nghiệp trong tương lai

Sau 3 tháng thực tập tại Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM), Trần Công Minh, sinh viên (SV) năm cuối Khoa in và Truyền thông Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, được nhận vào phòng nghiên cứu phát triển của công ty làm việc cùng 4 SV khác.

Mối quan hệ tự nguyện

Minh cho hay trong thời gian thực tập, anh và các bạn được công ty hỗ trợ 200.000 đồng/ngày; được các nhân viên chính thức hướng dẫn tận tình. Theo Công ty CP In số 7, ngoài hỗ trợ chi phí đi lại và cơm trưa, DN còn ưu tiên tuyển dụng lực lượng thực tập sinh (TTS), vì họ được đào tạo bài bản về lý thuyết và có kỹ năng thực hành tốt.

Nhưng không phải SV thực tập nào cũng may mắn như Minh và các bạn. Mới đây, T.L.T, SV ngành kinh tế tại một trường ĐH ở TP HCM than thở đi thực tập quá áp lực, vì liên tục bị hối thúc hoàn thành đúng thời hạn. "Tôi cũng biết thực tập là khoản thời gian để học hỏi và rèn luyện. Tuy nhiên, do bị giao quá nhiều việc, có khi làm thay cho công việc của nhân viên chính thức, nhưng lại không được hưởng lương hay khoản hỗ trợ nào làm tôi rất ức chế" - T. nói.

Theo ông Ngô Đình Đức, CEO của Công ty CP Tư vấn POCD (quận 4, TP HCM), hiện đa phần các công ty lớn, công ty nước ngoài đều có chính sách đãi ngộ cho SV thực tập. Việc thực tập có lương hay không cũng tùy vào mục tiêu của SV muốn trải nghiệm, làm quen môi trường nghề nghiệp hoặc kiếm thu nhập.

Ông Đức cho rằng mục đích chính của thực tập là định hướng lựa chọn DN phù hợp để trải nghiệm và học thực tế để giúp cho công việc sau này, chứ không phải đòi hỏi DN phải trả lương theo yêu cầu. Khi một SV vào thực tập thì DN cũng sẽ tốn nhiều khoản chi phí như: cử người phụ trách, bố trí công việc, tham gia các hoạt động chung... 

"Đây là mối quan hệ tự nguyện của cả hai bên, nên không bắt buộc DN phải trả lương cho TTS, hay SV thực tập không cần phụ cấp. Cái chính là đánh giá việc thực tập của SV dựa vào giá trị đóng góp cho DN, học thực tế và nỗ lực" - ông Đức nói.

 Trả lương cho sinh viên thực tập: Nơi có, nơi không 第1张

Sinh viên thực tập cần xem thời gian thực tập là cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho tương lai

Chưa có quy định

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho biết trong Bộ Luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật khác chưa có quy định về mức lương đối với người đi thực tập.

Một số ngành nghề như tài chính, kỹ thuật, công nghệ thông tin thường có xu hướng trả lương cho TTS, trong khi các ngành nghề khác có thể không trả lương hoặc chỉ hỗ trợ chi phí. Do đó, không thể so sánh với mức lương của nhân viên chính thức. Dù thực tập có lương hay không, nhiều DN vẫn thường hỗ trợ chi phí sinh hoạt và tạo cơ hội học việc từ thực tế cho TTS.

Việc lựa chọn thực tập có lương hay không, mỗi SV cần cân nhắc về lợi ích của bản thân để đưa ra quyết định hợp lý. "Điều quan trọng là bản thân TTS có được kinh nghiệm để tiến xa hơn và cần nhìn nhận khi được thực tập trong môi trường tốt, phù hợp nghề nghiệp. Đối với SV chưa có kinh nghiệm, dù thực tập không lương nhưng nó rất cần thiết" - ông Tuấn nói.

Còn bà Nguyễn Thị Thục Vy, Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty Poeplelink Việt Nam (quận 1, TP HCM), nhìn nhận người thực tập tại công ty đa phần là học từ những công việc sơ khởi, chưa làm ra sản phẩm hoàn thiện khi làm độc lập. Do vậy, DN không thể quy ra thành phẩm để trả lương mà chỉ hỗ trợ tiền ăn uống, đi lại.