20 cụm nhà vệ sinh đạt chuẩn mang đến niềm vui cho gần 10.000 học sinh các huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Tam Đường (Lai Châu).
Ngày 3/10, lễ khánh thành kết hợp ngày hội vệ sinh học đường được tổ chức đồng thời tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Lễ cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng cụm 20 nhà vệ sinh mới kết hợp ngày hội Vệ sinh học đường tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, ngày 3/10. Ảnh: Duy Anh
Các công trình khánh thành, bàn giao đợt này gồm bốn cụm nhà vệ sinh 12 khoang, một cụm nhà vệ sinh 8 khoang, 9 cụm vệ sinh 6 khoang, 6 cụm vệ sinh 4 khoang.
Các cụm công trình được thiết kế quy mô dựa trên số học sinh của từng trường, có cửa che chắn, chia phân khu nam - nữ với lối đi riêng, trang bị đầy đủ bệ xí, bồn rửa tay, hệ thống nước cấp - xả, hệ thống tự hoại, các biển bảng hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh và rửa tay đúng cách.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó phòng giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, các công trình do dự án Vệ sinh học đường xây dựng là nguồn hỗ trợ rất thiết thực để giúp học sinh học tập và sinh sống tốt hơn, góp phần vào công tác giáo dục của Mù Cang Chải.
"Các trường sẽ nỗ lực duy trì, tu sửa bảo trì thường xuyên để đảm bảo độ bền cho công trình, đồng thời, hướng dẫn học sinh sử dụng đúng cách, khoa học để giữ gìn cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung", ông nói thêm.
Là một trong số điểm trường có nhà vệ sinh mới, cô Lê Thị Thùy Nhung, hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Sơn Bình, huyện Tam Đường cho biết, trường hiện có 1.026 học sinh, trong đó có 254 học sinh nội trú ăn ngủ tại trường nên nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm rất lớn.
Trước đây, trường chỉ có một khu nhà vệ sinh nên các con cũng như thầy cô gặp nhiều khó khăn, nhất là những khi quá tải, thầy cô thường xuyên phải xử lý thông tắc.
"Từ khi có nhà vệ sinh mới với 12 buồng cho nam nữ riêng, các con rất phấn khởi vì nhà vệ sinh mới sạch sẽ, lại không phải xếp hàng chờ đợi nhau như trước", cô Thùy Nhung cho hay.
Học sinh điểm trường Cốc Pa - Trường Tiểu học Bản Giang sử dụng nhà vệ sinh mới. Ảnh: Duy Anh
Tại điểm trường Cốc Pa, trường Tiểu học Bản Giang, Phan Thị Ngọc Thúy, học sinh lớp 2 cho biết, nhà vệ sinh mới với 4 phòng cho nam, nữ khiến em và các bạn thích thú khi đúng thời điểm bước vào năm học mới.
Nhà vệ sinh cũ thường xuyên bị tắc và hôi, tắc khiến em ngại đi vệ sinh, thậm chí nhịn đến khi về nhà. "Từ khi có nhà vệ sinh mới em thấy sạch sẽ và đẹp đẽ hơn, chúng em cũng không phải xếp hàng như trước", Ngọc Thúy nói.
Tại ngôi trường có lượng học sinh lớn nhất huyện - trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề với gần 1.100 em, khu vệ sinh là nhà lắp ghép bằng tôn, mục nát, thường xuyên quá tải.
"Trước đây, mỗi khi đi vệ sinh, em đều phải chờ đợi rất lâu và phải đi cùng bạn để cùng xách nước cho đỡ nặng và canh cửa cho nhau, gọi thầy cô xử lý kịp thời nếu có gặp vấn đề tắc nghẽn, tránh để ùn ứ, ảnh hưởng đến giờ học của cả trường", em Sùng Thị Sua, học sinh lớp 9 chia sẻ.
Nhà vệ sinh đạt chuẩn mới tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mồ Dề. Ảnh: Tùng Đinh
20 cụm công trình vệ sinh được khởi công xây dựng vào tháng 5, thuộc dự án Vệ sinh học đường do Quỹ Hy vọng triển khai với nguồn tài trợ của nhãn hàng Enterogermina thuộc Opella Việt Nam - ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam.
Dự án có sự đồng hành của Long Châu và Tổng công ty Xây dựng Việt Nam. Tổng kinh phí dự án hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó các đơn vị tài trợ chung tay 2,87 tỷ đồng, còn lại do địa phương đóng góp.
Bên cạnh xây dựng các công trình vệ sinh theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án còn chú trọng các hoạt động nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản vệ sinh chung; hướng dẫn thực hành vệ sinh học đường thông qua các bộ tài liệu dành cho học sinh, giáo viên.
Cũng trong ngày 3/10, dự án Vệ sinh học đường tổ chức Ngày hội vệ sinh học đường - Purpose Day - nhằm tạo sân chơi cho học sinh Mù Cang Chải và Tam Đường.
Tại đây, các em học sinh được giao lưu, trao đổi kiến thức về vệ sinh học đường, thông qua các hoạt động như đố vui, nhảy điệu "bụng khỏe, bụng vui", "trò chơi rửa tay", tô tượng.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lao Chải háo hức tham gia Ngày hội vệ sinh học đường. Ảnh: Tùng Đinh
Tại sự kiện, chị Mai Thị Thu Hương, Giám đốc đối ngoại Opella, đơn vị đồng hành cùng dự án Vệ sinh học đường cho biết rất vui khi thấy sự thay đổi từ các nhà vệ sinh xuống cấp thành các nhà vệ sinh đạt chuẩn.
"Chứng kiến các em học sinh quay lại trường trong năm học mới và được sử dụng nhà vệ sinh mới, lại được học các thói quen giữ gìn vệ sinh tốt, chúng tôi rất phấn khởi khi góp phần chung tay giúp các em dần xóa bỏ nỗi ám ảnh mang tên nhà vệ sinh", chị Thu Hương cho hay.
Dự án Vệ sinh học đường, nằm trong chương trình Ánh sáng học đường, với mục tiêu xóa bỏ nhà vệ sinh xuống cấp và giảm tình trạng quá tải. Ngoài Opella Việt Nam, Quỹ Hy vọng nhận được sự đồng hành của Tập đoàn FPT, Ví MoMo, hỗ trợ xây 60 cụm công trình vệ sinh trong những năm vừa qua, tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Trong hai năm, 100 công trình và các hoạt động hướng dẫn, tập huấn của dự án đã đem tới những nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn và góp phần nâng cao nhận thức về vệ sinh học đường cho gần 20.000 học sinh và giáo viên ở 5 huyện.
Nhật Lệ - Nguyễn Phượng
Đăng thảo luận