Một người làm mãi ở một nơi, những kiến thức, năng lực cũng sẽ bị bó hẹp trong công ty đó, đến khi tự tách ra sẽ thành lỗi thời.
"Chọn nhân viên trung thành, cống hiến hay người làm được việc? Mỗi người hẳn sẽ có một quan điểm riêng. Nhưng tôi xin nhấn mạnh một thực tế rằng chỉ cần 5 triệu đồng lệ phí là ai cũng mở được doanh nghiệp rồi. Thế nên, sẽ có lúc bạn nhận ra, những người trung thành nhưng năng lực kém sẽ ảnh hưởng lớn đến thế nào và doanh nghiệp của bạn có thể sẽ mắc kẹt thế nào trong sự đổi mới.
Sự thật, một người làm mãi ở một nơi sẽ dần dần bị 'zombie hóa'. Những kiến thức anh ta biết sẽ bị bó hẹp trong câu chuyện của công ty đó. Công cụ và năng lực anh ta cũng sẽ bị phụ thuộc vào những tài nguyên công ty cung cấp. Đến khi tự tách ra, anh ta mới nhận ra mình đã quá lỗi thời.
Giống như một linh kiện được thiết kế đặc biệt cho một chiếc máy cũ kỹ mà không thể dùng vào bất cứ cỗ máy hiện đại nào nữa. Mà câu chuyện tự tách thì vô vàn nhiều lý do: công ty sụp đổ, sếp đổi tính, hay sát nhập vào một công ty khác to hơn... Ở đời, đến vợ chồng còn chẳng dám nói 'ăn đời ở kiếp với nhau' được, nữa là người dưng nước lã.
>> 20 năm ngu muội cống hiến vì tin lời hứa hão của sếp
Thế nên, trong suy nghĩ của tôi, khoảng năm, sáu năm nhảy việc một lần là hợp lý. Đó vừa là cơ hội để thay đổi mình, thay đổi tư duy, vừa là cách tự cứu mình trước khi quá muộn. Đứng ở vị trí người lao động, người ta chỉ chọn giải pháp an toàn nhất cho bản thân. Cứ cống hiến hết mình rồi đến khi bị đuổi thì làm sao?
Tất nhiên, đứng trên phương diện người quản lý, ai chẳng muốn một nhân viên tận tụy với mình. Có điều, thực tế là rất nhiều người cống hiến nhưng vẫn bị đuổi. Khi công gặp khó khăn và bạn là chủ, đương nhiên việc cắt giảm nhân sự, trong đó cho nghỉ việc những nhân viên làm lâu năm là việc khó tránh (bởi như vậy bạn mới đỡ được tiền trả lương). Thế nên, cũng đừng trách các nhân viên tình trước đường lui cho mình.
Với những người có năng lực, trình độ, dù có bị đuổi việc, họ cũng vẫn sẽ sống khỏe, cũng phát triển tốt sự nghiệp ở nhiều công ty khác. Nhưng không phải ai cũng được như vậy. Rất nhiều người cống hiến tận tụy nhưng đến khi bị đá đi, họ rất khó để kiếm được việc mới. Bởi cứ hình dung khi họ đi xin việc khác, công ty khác nhìn cái CV 10 năm làm một công ty, liệu họ có nghĩ đó là người trung thành hay chỉ xem là một 'zombie công sở'?
Nhiều người làm chủ quá lâu, nên đã quên mất người lao động cần gì? Họ cần công việc để làm đến tuổi nghỉ hưu chứ không phải cống hiên hết mình rồi một ngày đẹp trời bị đá ra đường. Vậy nên, họ đành phải dựa vào bản thân, tự nâng cao tay nghề, thu nhập và tách biệt bản thân khỏi sự phát triển của công ty. Họ sẽ luôn cố gắng để trình độ của họ gần với thứ thị trường cần hơn là với thứ công ty cần. Điều đó đảm bảo cho họ có bị đuổi việc cũng sẽ rất nhanh tìm được công việc mới".
Đó là quan điểm của độc giả Kien Nguyen Ngoc về câu chuyện sử dụng nhân sự. Một trong những vấn đề của Gen Z mà các công ty nhân sự phải đau đầu hiện nay là xu hướng thường xuyên nhảy việc thay vì gắn bó ở một tổ chức quá lâu. Do được giáo dục trong một môi trường đề cao kỹ năng linh hoạt và sáng tạo, Gen Z thường có khả năng nhanh chóng thích ứng với môi trường mới. Họ có xu hướng tìm kiếm công việc mang lại trải nghiệm tích cực và ý nghĩa. Nếu công ty không đáp ứng được điều này, họ có thể tìm kiếm cơ hội khác.
Bạn nghĩ sao về quan điểm làm việc này của thế hệ trẻ?
Lê Phạm tổng hợp
- Tâm lý nhảy việc dễ dãi của nhiều Gen Z
- Tôi không tuyển nhân viên nhảy việc bốn lần trong hai năm
- Đồng nghiệp chê tôi hèn nhát vì không dám nhảy việc
- 'Rất vô lý khi nhân viên ở lại phải gánh việc cho người bị sa thải'
- 8X không dám nhảy việc vì sợ thất nghiệp
- 'Sáu năm không nhảy việc, lương tháng của tôi chỉ 9 triệu đồng'
Đăng thảo luận