Ajit Kumar Puri, bác sĩ tại Bệnh viện Ganpati, bị cáo buộc làm phẫu thuật khi không có kỹ năng, phải xem hướng dẫn Youtube khiến bệnh nhân tử vong.
Puri bị cáo buộc gây ra cái chết của một cậu bé 15 tuổi vì phẫu thuật loại bỏ sỏi mật trong khi xem video hướng dẫn trên YouTube. Ông làm việc tại Bệnh viện Ganpati ở Saran, bang Bihar. Theo tố cáo, Puri hành nghề mà không có kiến thức hay kỹ năng cần thiết của một bác sĩ phẫu thuật.
Gia đình bệnh nhân 15 tuổi cho biết đã đưa cậu bé đến bệnh viện vào trung tuần tháng 9 vì nôn mửa nhiều lần. Cậu được nhập viện và triệu chứng giảm bớt, nhưng bác sĩ Puri chỉ định phẫu thuật để loại bỏ sỏi mật gây ra việc nôn mửa.
Sau khi nhờ bố của bệnh nhân đi làm một số việc vặt, Puri đã mổ mà không có sự đồng ý của gia đình, khiến tình trạng của cậu bé trở nên xấu đi đột ngột. Cuối cùng, bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác, nhưng cậu bé đã chết trên đường đi. Puri bỏ chạy và để lại thi thể người bệnh tại bệnh viện.
Người nhà bệnh nhân cáo buộc bác sĩ Puri không có kỹ năng phẫu thuật, dẫn đến cái chết của bệnh nhân. Trong quá trình chuẩn bị mổ, ông thậm chí mở một video hướng dẫn cách loại bỏ sỏi mật trên Youtube để xem.
"Chúng tôi đã nhập viện cho cháu và triệu chứng nôn mửa dừng lại ngay sau đó. Nhưng bác sĩ Ajit Kumar Puri nói rằng cần phải phẫu thuật. Ông ấy thực hiện ca phẫu thuật bằng cách xem video trên YouTube. Con trai tôi đã chết", cha của cậu bé nói với NDTV.
"Thằng bé đau đớn. Khi chúng tôi hỏi bác sĩ tại sao con mình lại đau đến vậy, ông ấy tức giận. Tối hôm đó, con tôi ngừng thở, phải làm hồi sức tim phổi CPR và được đưa tới Bệnh viện Patna. Thằng bé chết trên đường đi. Họ bỏ thi thể con tôi trên cầu thang bệnh viện và bỏ trốn", gia đình cho biết.
Một bác sĩ người Ấn Độ bị cáo buộc không biết phẫu thuật, phải xem hướng dẫn trên Youtube. Ảnh: Unplash
Gia đình đã nộp đơn khiếu nại bác sĩ Puri lên cảnh sát, giới chức đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Trong khi đó, vị bác sĩ bỏ trốn không có tung tích, khiến cả gia đình nạn nhân lẫn cảnh sát nghi ngờ ông ta thậm chí không phải bác sĩ.
Tình trạng bác sĩ giả không hiếm ở Ấn Độ. Đầu năm nay, một người đàn ông đã bị phát hiện hành nghề tại Mumbai bằng cách sử dụng bằng cấp y khoa của vợ mình. Vài năm trước, Ấn Độ cũng điều tra một người đàn ông làm việc tại 16 bệnh viện tư nhân bằng cách giả danh bác sĩ.
Thục Linh (Theo Oddity Central)
Đăng thảo luận