Bảy thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp hầu tòa vì nhận hối lộ hơn 6 tỉ đồng của 49 chủ xe, doanh nghiệp. 49 người này cũng ra tòa về tội đưa hối lộ.
Trụ sở Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên quốc lộ 51 - Ảnh tư liệu
Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sắp đưa vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh này ra xét xử.
Cáo trạng của vụ án xác định từ năm 2021 đến tháng 3-2023, bảy thanh tra viên của Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận hối lộ hơn 6 tỉ đồng của 49 chủ xe, doanh nghiệp trên địa bàn.
Bảy thanh tra bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ gồm Lâm Hữu Trí (43 tuổi), Võ Thanh Liêm (45 tuổi), Trần Văn Dũng (54 tuổi), Nguyễn Đức Tú (49 tuổi), Trần Ngọc Huệ (61 tuổi), Phạm Văn Dương (47 tuổi) và Trần Văn Minh (58 tuổi).
Chở đúng tải, không chung chi là bị thanh tra giao thông làm khó
Trong đó thanh tra viên Lâm Hữu Trí nhận nhiều tiền "làm luật" nhất với hơn 5 tỉ đồng. Sáu thanh tra viên còn lại chia nhau hơn 1 tỉ đồng, người nhiều nhất hơn 300 triệu đồng, người ít nhất hơn 40 triệu đồng.
Công an phong tỏa, khám xét nơi làm việc của Thanh tra giao thông khi khởi tố các bị can ở cơ quan này - Ảnh tư liệu
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định có 53 chủ xe, doanh nghiệp đưa hối lộ cho bảy thanh tra viên trên.
Nhưng có 14 người đưa hối lộ do bị thanh tra ép hoặc có đơn tố cáo trước khi cơ quan điều tra phát giác. Do đó những người này được đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn 49 chủ xe, đại diện doanh nghiệp bị truy tố, xét xử về tội "đưa hối lộ".
Cáo trạng vụ án xác định bảy thanh tra viên trên đã bàn bạc và thống nhất giao cho Trí làm đầu mối nhận tiền hối lộ của các chủ xe, doanh nghiệp. Sau đó Trí rút ra chia cho sáu đồng nghiệp ở các đội khác nhau.
Công an và viện kiểm sát khám xét, thu giữ giấy tờ ở trụ sở Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh tư liệu
Chiêu "làm luật" của các thanh tra giao thông là thường xuyên kiểm tra các xe có mật độ chạy dày trên đường và gần như chạy một tuyến cố định nào đó.
Do đó các chủ xe, doanh nghiệp đưa hối lộ cho thanh tra giao thông chủ yếu là xe chở vật liệu xây dựng, san lấp, hải sản, phế liệu, xe chở hàng hóa trong cảng Cái Mép - Thị Vải…
Những chủ xe, doanh nghiệp ở tỉnh khác có xe thường xuyên chở hàng đến Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phải "lót tay" cho thanh tra giao thông.
Bắt tạm giam chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau
Bắt khẩn cấp nhiều thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bắt bốn thanh tra giao thông nhận tiền xe quá tải
Có trường hợp chủ xe chủ động gặp thanh tra giao thông để đặt vấn đề chung chi.
Nhưng cũng có những vụ thanh tra viên chủ động gọi điện cho chủ doanh nghiệp, chủ xe yêu cầu đưa tiền hằng tháng, trong đó chủ yếu là thanh tra viên Lâm Hữu Trí.
Có người bị Trí gọi điện nói "xe em chạy ngoài đường như vậy là không có được. Em phải xử lý đi".
Đáng chú ý, có vụ Trí điện thoại yêu cầu phải đóng tiền hằng tháng nếu không sẽ bị kiểm tra gây khó. Dù xe không vi phạm nhưng vì sợ bị thanh tra dừng xe giữa đường làm chậm việc giao hàng nên chủ doanh nghiệp đồng ý chung chi.
Đã có trường hợp chủ doanh nghiệp không chịu vì xe chở đúng tải. Nhưng sau đó đúng là xe của họ bị thanh tra giao thông dừng liên tục và buộc phải chung chi để yên ổn làm ăn.
Một xe chở bê tông tươi đi từ xã Long Sơn về TP Vũng Tàu. Một tài xế loại xe này đã phải làm luật với thanh tra giao thông - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Thanh tra giao thông "làm luật" từ xe lớn đến xe bé
Theo hồ sơ vụ án, các thanh tra viên trong vụ án này "làm luật" với bất cứ xe nào chạy trên đường. Từ xe tải chở hàng nặng trong khu công nghiệp, cảng biển đến xe tải loại nhỏ nhất chở gạch, cát, xi măng của các cửa hàng vật liệu khi bán hàng cho người dân.
Từ xe đầu kéo chở container đến xe chở cá, phân.
Có vụ tài xế xe bồn chuyên chở bê tông tươi thường xuyên bị thanh tra giao thông dừng xe kiểm tra. Trong khi bê tông tươi cần đi nhanh để không đóng cứng. Do đó tài xế phải chung chi cho thanh tra giao thông để khỏi bị dừng xe, kiểm tra làm hư bê tông.
Trong đại dịch COVID-19, xe chở hàng của doanh nghiệp thường đi qua chốt của thanh tra giao thông phải xuất trình giấy tờ phòng dịch. Do đó có đại diện doanh nghiệp đặt vấn đề "hỗ trợ" chốt mỗi tháng 7 triệu để thanh tra vừa có điều kiện sinh hoạt, doanh nghiệp qua chốt dễ dàng, thuận lợi.
Thế nhưng sau khi hết dịch COVID-19, giao thông đi lại bình thường, việc chung chi vẫn được tiếp tục đến khi bị công an phát giác.
Đăng thảo luận