Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức để người dân yên tâm xuất khẩu lao động.
Huyện Bố Trạch, Quảng Bình hiện có dân số khoảng 200.000 người, trong đó phần lớn trong độ tuổi lao động. Tận dụng lợi thế này, huyện đã chú trọng công tác đưa người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 3.725 người xuất khẩu lao động theo hợp đồng, riêng 8 tháng năm 2024 có 975 người, nâng tổng số người đi lao động, học tập, sinh sống tại nước ngoài của huyện Bố Trạch trên 20.600 người.
Những địa phương có người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhiều như: Đức Trạch, Nhân Trạch, Trung Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch, Xuân Trạch, Bắc Trạch…
Nhờ xuất khẩu lao động, cuộc sống của người dân xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch khấm khá hơn. Ảnh: CTVXã Nhân Trạch có số lượng người xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện, hiện có trên 2.000 người sang nước ngoài học tập, lao động, thu về mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng.
Gia đình ông Phạm Văn Phú, ở thôn Nhân Quang đang có 4 người con đi xuất khẩu lao động: “Chúng tôi ở gần biển, dù rất vất vả nhưng bao đời nay đều theo nghề biển để kiếm sống. Các con tôi trước đây cũng bám biển nhưng chỉ đủ ăn. Từ khi các con đi xuất khẩu lao động, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn...”, ông Phú nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Phạm Mạnh Hùng, xã đưa ra chỉ tiêu hàng năm có ít nhất 200 người dân đi lao động, học tập tại nước ngoài. Để thực hiện mục tiêu đó, địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động con em ở nước ngoài hỗ trợ kinh phí cho những người khó khăn, phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân, các ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn đi xuất khẩu lao động...
“Đến nay, nhiều gia đình có 4, 5 thậm chí 6 người tham gia xuất khẩu lao động. Nhờ đó nên số hộ nghèo toàn xã chỉ còn 29 hộ, trên 70% hộ đã có nhà 2 tầng, các hộ còn lại đều có nhà kiên cố”, ông Hùng thông tin.
Trước đây, đời sống của người dân xã miền núi Phúc Trạch còn gặp nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều người đã quyết định đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Toàn xã hiện có gần 1.700 người xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Riêng 8 tháng năm 2024, địa phương có trên 100 người xuất khẩu lao động.
Những người đi xuất khẩu lao động đã gửi tiền về cho gia đình sửa sang nhà cửa khang trang, đóng góp tích cực cho các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Phúc Trạch đang nỗ lực cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2024.
Ông Lê Vinh Khánh, Phó chủ tịch xã Phúc Trạch cho biết: “Xác định xuất khẩu lao động là giải pháp thiết thực để giảm nghèo nhanh và bền vững, địa phương đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Rà soát, thống kê danh sách số người trong độ tuổi lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động để phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật”.
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Bố Trạch đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng tăng cao. Sau khi trừ chi phí của lao động ở nước ngoài, bình quân thu nhập của mỗi người khoảng từ 20-40 triệu đồng/tháng. Ước tính bình quân mỗi năm, người tham gia xuất khẩu lao động chuyển về địa phương trên 3.000 tỷ đồng. Nhờ xuất khẩu lao động đã góp phần giảm hộ nghèo, đến nay toàn huyện còn 1.929 hộ nghèo, chiếm 3,79%.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động theo hợp đồng. Phấn đấu mỗi năm có khoảng 1.200 người xuất khẩu lao động. Để người dân yên tâm, huyện phối hợp giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín trong hoạt động xuất khẩu lao động cho người dân, chú trọng công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động ở nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết.
Đăng thảo luận