Chuyên gia: Nên lập sàn giao dịch xăng dầu

(Dân trí) - Theo chuyên gia, nếu giao dịch xăng dầu trên sàn sẽ tạo ra thị trường hoạt động công khai, minh bạch và giảm độc quyền.

Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 30/7, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết giá xăng dầu thế giới đang chiếm khoảng 65-77% giá xăng dầu trong nước, tùy loại.

"Chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29%, chi phí kinh doanh định mức chiếm 7,5-11%. Bên cạnh đó, một số yếu tố cấu thành giá nữa là về lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ bình ổn...", ông nói.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho hay giá xăng dầu được điều hành bằng các công cụ như giá cơ sở, điều chỉnh thuế (giảm thuế khi cần thiết) và điều chỉnh quỹ bình ổn.

Tuy vậy, ông Cường cho rằng nhược điểm của cơ chế này là giá phải theo thế giới, nhập vào cao thì giá cao. Hơn nữa, việc điều hành vẫn mang tính chất dùng công cụ hành chính, Nhà nước áp đặt giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

"Do đó, việc xây dựng chính sách thời gian tới cần hướng tới sửa đổi cơ chế hành chính áp đặt sang công cụ thị trường để tự điều tiết, tạo sự cạnh tranh", ông Cường nhìn nhận.

Chuyên gia: Nên lập sàn giao dịch xăng dầu  第1张

Các chuyên gia cho rằng nên để doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu để tạo tính cạnh tranh (Ảnh: VGP/Dương Tuấn).

Theo vị chuyên gia, giá kinh doanh thế nào cần phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng cần có công cụ để điều tiết là thuế.

Tương tự, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cũng cho rằng cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay đều mang tính hành chính, đặc biệt là giá.

"Lúc giá 15.000 đồng/lít cũng vận hành theo cơ chế như giá lên 33.000 đồng/lít. Vô tình 20 năm qua, chúng ta đã đưa xăng dầu trở thành mặt hàng Nhà nước định giá chứ không phải bình ổn khi thị trường có biến động mạnh", ông nói và nhấn mạnh việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất.

Về đề xuất xây dựng sàn giao dịch xăng dầu, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu thành lập được là rất tốt và cần thiết để tạo công khai, minh bạch và tạo cơ hội đầu tư, quản lý rủi ro trên sàn, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng.

"Đối với Việt Nam nếu giao dịch xăng dầu trên sàn sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó sẽ giảm độc quyền", ông Long đánh giá.

Hiện, thị phần xăng dầu Nhà nước chiếm 88%, khi có sàn giao dịch thì thị phần sẽ được chia lại và tư nhân tham gia nhiều hơn, mức độ cạnh tranh cao hơn.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng thách thức đặt ra là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Bên cạnh đó cần công tác quản lý, giám sát chặt chẽ và sẽ gặp rủi ro về thị trường, biến động giá cả do phụ thuộc vào thị trường thế giới.

"Để xây dựng được sàn giao dịch xăng dầu, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành. Đặc biệt với xăng dầu vì mặt hàng này có những đặc điểm riêng rất nhạy cảm", ông lưu ý.

Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.