Đó là ý kiến của bạn đọc về việc cắt tỉa cây xanh ở trung tâm TP.HCM.
Cây xanh bị cắt trụi lủi ở đường trung tâm TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài "Nhiều cây xanh ở trung tâm TP.HCM bị cắt trụi lủi", nêu thực trạng hàng loạt cây xanh chỉ còn lại phần thân chính trơ trọi, nhiều bạn đọc bày tỏ sự tiếc nuối và thắc mắc có nhất thiết phải cắt trụi hết lá như hiện tại không.
Một bạn đọc chia sẻ việc cắt mé nhánh cây xanh để tránh ngã đổ mùa mưa bão không đồng nghĩa với việc phải "cắt trụi lủi". Đã là cây xanh được trồng trong đô thị thì phải cân bằng nhiều yếu tố như đảm bảo bóng mát, hạ nhiệt, tính an toàn… Việc cắt tỉa cây như vậy khác nào đang đốn bỏ cây, làm mất đi cảnh quan đường phố.
Bạn đọc Van cho biết: "Gần nhà tôi cứ 1-2 tháng lại cắt tỉa trụi lủi một lần mặc dù cây còn nhỏ, tán không ảnh hưởng gì. Đề nghị đơn vị chủ quản thanh tra, kiểm tra vấn đề này thật nghiêm túc".
Nhiều cây xanh ở trung tâm TP.HCM bị cắt trụi lủiĐỌC NGAY
Ví von cây xanh sau cắt tỉa ở các tuyến đường hiện nay "hệt như một cái ná thun", một bạn đọc cho rằng chưa cần phải so sánh với các nước khác, chỉ cần nhìn trong nước là đã thấy việc quản lý cây xanh của TP.HCM hiện còn tồn tại hạn chế.
Bạn đọc Long Nguyen viết: "Đồng ý là cắt tỉa bớt để đảm bảo cây không bị ngã đổ. Tuy nhiên không cần phải cưa bỏ trụi lủi như vậy, làm mất hết mảng xanh của thành phố và quá mất thẩm mỹ. Chăm số cây xanh theo kiểu như vậy thì cần gì dân chuyên nghiệp, ai cũng làm được!".
Trong khi đó, bạn đọc H. hiến kế nên cắt bỏ phần ngọn cây hoặc trồng những cây mới có chiều cao 5-7m. Điều này giúp người dân vừa có bóng mát vừa không gây nguy hiểm mùa mưa bão. Còn nếu vẫn cắt hết cành mà để thân cây cao chót vót thì tiềm ẩn nguy hiểm.
Tiếc nuối, xót xa nhưng nhiều bạn đọc cho rằng các loại cây đã trồng lâu năm cũng nên được di dời dần. Ở TP.HCM, các cây đã già và quá cao, mỗi lần muốn leo lên để kiểm tra tình trạng cây cũng không dễ dàng.
Theo đó, TP.HCM nên có kế hoạch cụ thể, mỗi năm hạ dần và trồng thay thế các loại cây chỉ cao khoảng 15m để cân đối mảng xanh, điều hòa không khí cho thành phố. Đồng thời cân nhắc việc TP.HCM chỉ là nơi bị ảnh hưởng bởi mưa bão (như vừa qua) nên cũng đừng mang tâm lý "rút kinh nghiệm" quá mức và mé nhánh cây trơ trọi.
Cũng cho rằng việc mé nhánh cây hiện tại chỉ giải quyết được phần ngọn chứ phần gốc vẫn chưa, bạn đọc Trương Kiệt đề xuất: "Tốt nhất TP.HCM nên tính toán trồng loại cây khác cho phù hợp.
Với những cây lớn như vậy trồng ở vỉa hè đã bê tông hóa thì khó mà sống tốt được. Mé nhánh cây quá đà thì cây cũng khó thể mà sống nổi. Do đó tôi nghĩ TP.HCM tính toán trồng cây khác phù hợp với điều kiện hiện tại".
Nhiều người dân tiếc nuối khi thấy cây xanh bị cắt trơ trụi - Ảnh: CHÂU TUẤN
Cùng với một số cây bị cắt trơ trụi, số còn lại được cắt tỉa tán lá vừa phải - Ảnh: CHÂU TUẤN
Không tỉa hơn 20-25% tán cây xanh còn sống
Sở Xây dựng TP.HCM đã biên soạn cuốn sổ tay kỹ thuật cắt tỉa cây xanh ở TP.HCM để hướng dẫn các đơn vị chăm sóc cây xanh áp dụng.
Theo đó, mỗi lần tỉa thưa tán cây, các đơn vị không loại bỏ nhiều hơn 20-25% tán cây còn sống (và tỉ lệ thấp hơn đối với cây càng cao tuổi) để tránh gây sốc cho cây và hạn chế tạo ra quá nhiều chồi bất định. Nếu cần thiết phải cắt bỏ nhiều hơn thì nên làm trong những lần tiếp theo.
Khi tỉa thưa tán cây, không loại bỏ quá nhiều cành nhánh nhỏ còn sống ở dưới thấp bên trong tán cây và chỉ chừa lại những chùm nhánh lá phía đầu cành để tránh tạo nên cành có dạng "đuôi sư tử".
Trong trường hợp này, sức nặng của tán lá dồn về phía các đầu cành, độ thon của cành bị giảm, cấu trúc cành trở nên yếu và dễ bị gãy.
Đăng thảo luận