Bà Rịa - Vũng TàuCác bị cáo là giám đốc doanh nghiệp khai bị nhóm thanh tra giao thông liên tục kiểm tra, "chạy xe không cũng chặn" nên buộc phải chung chi để yên ổn làm ăn.
Ngày 9/10, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét hỏi 49 bị cáo là giám đốc các doanh nghiệp vận tải, chủ xe về tội Đưa hối lộ cho 7 cựu thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền gần 6 tỷ đồng.
Bị cáo Hồ Đình Huy, chủ doanh nghiệp sở hữu 25 xe chở vật liệu xây dựng các công trình ở huyện Long Điền và Đất Đỏ, khai năm 2020 xe công ty thường xuyên bị nhóm thanh tra giao thông dừng kiểm tra, dù không vi phạm gì. "Họ chặn lại nhưng không lập biên bản xử phạt. Thậm chí chạy xe không cũng dừng. Có ngày chặn 10-15 chiếc, giam 30 phút đến một giờ, rồi cho đi", ông Huy khai.
Chủ một doanh nghiệp trả lời HĐXX về quá trình đưa hối lộ. Ảnh: Trường Hà
Tài xế báo cáo sự việc cho ông Huy và nói rằng "bị thanh tra giao thông hăm he, phải liên hệ với họ để xử lý". Vì bức xúc, ông lên tận Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, nhưng hơn tháng sau tiếp tục bị chặn.
Để yên ổn làm ăn, ông dò hỏi các nhà xe trên địa bàn thì được cung cấp số điện thoại Lâm Hữu Trí. Ban đầu ông Huy thắc mắc "xe mình không vi phạm gì, tại sao bị chặn hoài" thì được Trí trả lời "để hỏi lại anh em". Tuy nhiên, xe sau đó vẫn bị kiểm tra.
Lần gọi tiếp theo, Trí đặt thẳng vấn đề phải ủng hộ kinh phí phòng chống Covid-19 và các hoạt động phong trào của thanh tra giao thông. Sau đó Trí cung cấp hai tài khoản để ông Huy chuyển tiền theo yêu cầu của thanh tra viên này. Có khi doanh nghiệp gặp khó khăn, ông Huy chuyển ít hơn mức yêu cầu nhưng Trí không chịu. Tổng cộng ông Huy 24 lần hối lộ cho Trí với tổng số tiền hơn 297 triệu đồng.
"Bị cáo bị oan. Bị cáo nhận thức doanh nghiệp làm ăn tại địa phương phải có trách nhiệm chia sẻ với thanh tra giao thông trong các phong trào, chứ không xem đó là khoản tiền hối lộ", ông Huy nói. Tuy nhiên, sau đó ông Huy thừa nhận việc mình bị truy tố là đúng, phạm tội "do bị ép buộc nên rất ấm ức".
Trả lời HĐXX sau đó, bị cáo Lâm Nguyễn Thành Phát, nhân viên kinh doanh công ty vận tải ở TP HCM, cho biết được phân công theo dõi 7 xe vận chuyển hàng hóa, phế liệu ở khu vực thị xã Phú Mỹ. Tháng 4/2021, Lâm Hữu Trí gọi cho Phát yêu cầu chuyển mỗi tháng 5 triệu đồng, đổi lại các xe không bị thanh tra giao thông kiểm tra hoặc bỏ qua lỗi vi phạm.
Phát dùng tài khoản cá nhân 22 lần chuyển cho Trí tổng cộng 110 triệu đồng. Bị cáo thừa nhận việc mình là người chuyển tiền, song đó là tiền của công ty, làm theo yêu cầu của lãnh đạo và thông lệ của công ty đối với bị cáo Trí.
"Khi tiếp quản công việc, bị cáo chỉ thừa hành nhiệm vụ. Tiền đưa cho thanh tra giao thông là tiền của công ty chuyển vào tài khoản cá nhân bị cáo, nhưng bây giờ đổ hết cho bị cáo", Phát nói, thêm rằng có những tháng chuyển trễ thì bị Trí gọi điện thoại nhắc nhở, đe dọa. Sau khi sự việc bị phát giác, Phát bị công ty cho nghỉ việc.
Được gọi trả lời, Lâm Hữu Trí thừa nhận việc doanh nghiệp này trước đó đã đưa tiền cho mình để được giúp đỡ. Sau khi Phát phụ trách theo dõi xe, Trí gọi điện thoại yêu cầu tiếp tục thực hiện khoản bồi dưỡng, Phát không bàn bạc gì về khoản này.
Tại phiên tòa hôm nay, nhiều chủ xe chỉ một, hai phương tiện khai bị các bị cáo là cựu thanh tra giao thông chặn đường yêu cầu chi tiền hàng tháng, dù xe không vi phạm. Họ nói muốn yên ổn làm ăn thì không có khách nào khác. Tuy nhiên, nhiều bị cáo thừa nhận xe mình chở quá tải, hàng hóa rơi vãi, chủ động đến tìm các thanh tra giao thông để thỏa thuận việc bảo kê.
Theo cáo trạng, Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đội nghiệp vụ thanh tra, luân phiên thay đổi địa bàn hoạt động (trừ Côn Đảo) với chu kỳ hai tháng một lần. Từ năm 2021 đến tháng 3/2023, 7 thanh tra viên đã nhận tiền của nhiều cá nhân, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ ở các thành phố, thị xã, huyện nhằm không hoặc ít kiểm tra xử phạt họ.
Bị cáo Lâm Hữu Trí (đứng) tại tòa. Ảnh: Trường Hà
Quá trình điều tra, Lâm Hữu Trí khai, sau khi bàn bạc được thống nhất giao làm đầu mối nhận tiền của cá nhân, doanh nghiệp qua tài khoản ngân hàng của mình và bố vợ. Tổng cộng Trí Nhận của 55 doanh nghiệp và chủ xe hơn 5 tỷ đồng. Hàng tháng, Trí nhờ bố vợ rút tiền mặt đưa cho mình để đưa cho đại diện các đội tại trụ sở thanh tra giao thông, song chỉ 3 người trong số họ thừa nhận được chia hơn 360 triệu đồng.
Bị cáo Trí tố giác có sự thống nhất trong việc nhận và phân chia tiền hối lộ cho các đội trưởng, đội phó, thanh tra viên của các đội; chia tiền cho Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, ngoài lời khai của Trí chưa có tài liệu, chứng cứ khác nên chưa đủ căn cứ để truy cứu các cá nhân này. Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các chủ xe, chủ doanh nghiệp.
Trường Hà
Đăng thảo luận