Hãy tưởng tượng lên một chuyến bay mà không cần trình hộ chiếu, vé hay bất kỳ giấy tờ nào. Đến năm 2025, Abu Dhabi, UAE, có thể trở thành nơi đầu tiên như vậy.
Sân bay quốc tế ở Abu Dhabi, nơi nổi tiếng với cơ sở hạ tầng công nghệ cao, đang triển khai dự án du lịch thông minh khi lắp đặt cảm biến sinh trắc học tại mọi điểm kiểm tra nhận dạng, từ quầy làm thủ tục đến quầy nhập cảnh, hoàn thuế, phòng chờ của hãng bay và cổng lên máy bay.
Sau khi hoàn thiện dự án, hành khách không cần xuất trình giấy tờ, chỉ cần đi qua các máy nhận dạng khuôn mặt hoặc mống mắt.
Sân bay quốc tế Zayed tại Abu Dhabi, UAE. Ảnh: Abu Dhabi
Hiện tại, công nghệ này đã được sử dụng tại một số khu vực nhất định ở sân bay. Tuy nhiên, Abu Dhabi tham vọng mở rộng hệ thống tại toàn sân bay để giúp hành khách làm thủ tục nhanh gọn nhất có thể.
"Chúng tôi đang lắp đặt 9 điểm nhận dạng và là sân bay đầu tiên trên thế giới làm điều này", Andrew Murphy, giám đốc thông tin tại sân bay Abu Dhabi cho biết. Bất kỳ hành khách lần đầu nhập cảnh UAE, dù là người dân hay khách du lịch, đều được Cơ quan Liên bang về nhận dạng, quyền công dân, hải quan và an ninh cảng thu thập dữ liệu sinh trắc học. Hệ thống của sân bay dựa vào cơ sở dữ liệu này để xác minh hành khách khi họ đi qua các trạm kiểm soát.
Sân bay đã nhận được các phản hồi tích cực từ hành khách. Nhiều người cho biết nhờ hệ thống nhận dạng tự động, thời gian họ đi từ sảnh vào cổng máy bay chỉ mất 15 phút. "Tại một sân bay phục vụ 45 triệu hành khách mỗi năm, việc di chuyển nhanh chóng chỉ mất vài chục phút để ra được cổng máy bay là một bước đột phá", Murphy nói thêm.
Khảo sát tháng 10/2023 của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) chỉ ra 75% hành khách muốn sử dụng dữ liệu sinh trắc học để nhận dạng hơn là xuất trình giấy tờ. 25% người còn lại nói không thích.
Công nghệ sử dụng nhận dạng khuôn mặt không được các nhà hoạch định chính sách quốc tế ủng hộ vì cho rằng không phải ai cũng bay nhiều để có thể thành thạo sử dụng máy móc. "Những khách ít đi du lịch thích tương tác với con người (thay vì máy móc) để được hỗ trợ, hướng dẫn", Louise Cole, giám đốc trải nghiệm & hỗ trợ khách hàng của IATA cho biết. Ngoài ra, sử dụng công nghệ sẽ không đảm bảo với trẻ em vì các hãng bay cần đảm bảo người đi cùng trẻ có khả năng chăm sóc chúng trong suốt hành trình. Điều này máy móc khó có thể thay thế con người.
Murphy nói khi công nghệ được mở rộng, sân bay vẫn áp dụng phương án có nhân viên hỗ trợ hành khách để lên máy bay theo cách truyền thống.
Trước Abu Dhabi, Singapore là một trong những nước đi đầu trong triển khai công nghệ này tại sân bay. Ngoài ra, sân bay quốc tế Hong Kong, Tokyo Narita, Tokyo Haneda và Indira Gandhi đã áp dụng công nghệ sinh trắc học tại một số điểm nhất định trong quá trình xuất nhập cảnh.
Tại Mỹ, Cục Hải quan và Biên phòng đã triển khai công nghệ sinh trắc học tại các khu vực đến của 96 sân bay quốc tế. Tại điểm khởi hành, Mỹ đã áp dụng công nghệ này ở 53 địa điểm. Tuy nhiên, sân bay Abu Dhabi vẫn là điểm đến đầu tiên trên thế giới có kế hoạch đồng bộ hóa mọi công nghệ nhận dạng để hành khách không cần xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân hay vé trong quá trình làm thủ tục.
Louise Cole của IATA cho biết chìa khóa của áp dụng các công nghệ hiện đại vẫn là cần chuẩn hóa và hợp tác quốc tế, dẫn đến đồng bộ mọi quy trình của các sân bay trên toàn thế giới. Cole hy vọng khi sân bay Abu Dhabi mở rộng quá trình sử dụng công nghệ sinh trắc học sẽ thiết lập lên tiêu chuẩn để các khu vực khác làm theo, mở đường cho thời kỳ di chuyển khắp thế giới không cần giấy tờ.
Anh Minh (Theo CNN)
Đăng thảo luận