Đó xem ra cũng là trường hợp của nhiều đứa trẻ được sinh ra vào năm 1954.
Chào đời vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đang đi tới thắng lợi, với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu và Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, những cái tên nhiều đứa trẻ đã mang cả ước vọng về cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Những lớp mấy chục học trò ngày ấy, thế nào cũng có dăm đứa tên Bình. Con trai thì thường là Hòa Bình, Văn Bình, Ngọc Bình. Con gái thì Thanh Bình, Thúy Bình, Bình An… Rồi Bình Yên, Hạnh Phúc…
Tên vậy, nhưng tính ra, lớp trẻ được sinh ra trong những ngày hòa bình đầu tiên của Thủ đô cùng miền Bắc chỉ thực sự được hưởng cuộc sống bình yên khoảng mươi năm. Đó là những năm Hà Nội cùng cả nước thực hiện Kế hoạch 3 năm 1955 - 1957 khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, ổn dịnh và cải thiện đời sống Nhân dân; Kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà. Và Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961-1965). Giai đoạn ấy, Hà Nội và cả miền Bắc đang hồ hởi với những thành tựu ban đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bóng đen của cuộc chiến vẫn còn khuất lấp ở đâu đó rất xa.
Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã làm thay đổi bộ mặt xã hội miền Bắc. Mặc dù phải chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế cho phù hợp với điều kiện chiến tranh do Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, nhưng như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thắng lợi của Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 - 1965) đã đưa miền Bắc nước ta tiến những bước dài chưa từng thấy. Đất nước, xã hội, con người đều đổi mới. Và tất nhiên, lứa trẻ sinh ra vào những năm hòa bình mới lập lại trên miền Bắc cũng được hưởng những thành quả đầu tiên của công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên Thủ đô nói riêng và cả miền Bắc đang dựng xây, phát triển.
Thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TTXVNSống trong bầu không khí hòa bình chưa được bao lâu, lứa trẻ sinh ra vào năm có thời khắc lịch sử của Hà Nội “5 cửa ô đón chào đoàn quân tiến về”, dù chưa qua tuổi thiếu niên đã lại cùng Thủ đô và đất nước bước vào một giai đoạn đầy cam go, thử thách khi Hà Nội cùng miền Bắc phải đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất do Mỹ phát động, đồng thời thực hiện nghĩa vụ là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam.
Những đứa trẻ trong ngoài tuổi lên mười khi ấy, một số theo cha mẹ đi sơ tán, còn đa phần phải xa cha mẹ theo trại trẻ sơ tán của các cơ quan đơn vị về các vùng quê. Nhưng trước khi xa Hà Nội, rất nhiều đứa trong số bọn trẻ ấy là học sinh các trường phổ thông cấp I toàn TP còn được tham dự một sự kiện, với nhiêu đứa, như cá nhân tôi cũng để lại kỷ niệm khó phai, đó là Lễ kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức khá hoành tráng tại Sân Hàng Đẫy, trong đội hình đồng diễn của học sinh Thủ đô với giai điệu hào hùng của những bài ca như Giải phóng Điện Biên, Hò kéo pháo, Trên đồi Him Lam…
Với nhiều người sinh ra vào năm Hà Nội sạch bóng lính viễn chinh Pháp ấy, nhất là đám con trai, có thể nói giai đoạn 1954 - 1964 là thời gian họ được sống hạnh phúc nhất trong hòa bình trước khi bước vào những khó khăn của cuộc sống nơi sơ tán, xa cha mẹ, xa TP từ năm 1965 đến cuối năm 1968, khi Johnson tuyên bố ngưng ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra.
Trở về Hà Nội khi bước vào năm học đầu tiên của cấp III, chỉ hơn 2 năm sau, nhiều chàng trai trong lứa trẻ có rất nhiều đứa tên Bình ấy lại cùng các bạn đồng trang lứa từ biệt TP quê hương, gia đình, mái trường, bạn bè để lên đường ra trận. Năm 1972 là thời điểm những chàng trai sinh năm 1954 ở vào cái tuổi đẹp nhất. Nếu không có chiến tranh, ngưỡng cửa cuộc đời với giảng đường đại học, cuộc sống sôi động trên công trường, nhà máy… và cả những tình cảm đầu đời đang mở ra với họ. Nhưng đó lại là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn quyết liệt. Cũng bởi vậy mà nhiều người trong số họ đã lên đường nhập ngũ.
Ngay từ những ngày đầu năm 1972, hàng vạn thanh niên Hà Nội, trong đó có những cậu học sinh lớp 10 mới chỉ vừa hết học kỳ 1 của năm học cuối cùng phổ thông. Hầu hết trong số những cậu trai ấy chưa tròn 18, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật định. Vì yêu cầu của chiến trường, TP đã phải “vay” quân, huy động cả lứa thanh niên đáng ra sẽ có cơ hội hoàn tất chương trình phổ thông hay ít nhất họ cũng được cùng gia đình, người thân ăn xong cái Tết con Chuột năm ấy. Vậy mà họ đã lên đường, tạm biệt TP quê hương, xa trường, xa lớp khi mùa Xuân đã lấp ló nơi vườn đào Nhật Tân, luống quất Quảng Bá.
Có thể nói đó là đợt mà những thanh niên sinh năm 1954, những Nguyễn Hòa Bình, Trần Thanh Bình, Phạm Ngọc Bình… những người được sinh ra gắn với ước mong sẽ được lớn lên trong hòa bình, hạnh phúc và dựng xây lên đường ra trận đông đảo nhất. Họ lên đường để thực hiện cái khát vọng mà khi sinh ra cha mẹ, ông bà đã gửi gắm vào cái tên đầy ý nghĩa: Khát vọng Hòa Bình. Sau hai đợt tuyển quân tháng 1 và tháng 4 năm 1972 ấy, nhiều lớp 10 (lớp cuối cấp hệ phổ thông 10 năm) ở các trường cấp III của Hà Nội như Việt Đức, Thăng Long, Trưng Vương, Việt Ba… vãn cả nam sinh. Và có lẽ đó cũng là đợt mà những chàng trai sinh ngày hòa bình lập lại ở Hà Nội tham gia chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Quảng Trị nhiều nhất. Lớp 10C Trường cấp III Thăng Long của tôi, có hơn chục người ra trận thì quá một nửa không về, các bạn đã nằm lại nơi đất lửa Quảng Trị.
Báo chí, công luận và cả người đời thường hay nhắc tới một lớp 10.000 sinh viên các trường đại học Hà Nội gác bút nghiên lên đường đánh giặc, đã chiến đấu, hy sinh anh dũng và trưởng thành từ những ngày máu lửa ở Quảng Trị và các chiến trường khác vào các năm 1971 - 1972. Đó là một thế hệ sinh viên ưu tú. Nhưng cũng cần nhắc là trong những ngày tháng ấy còn có hàng vạn con em người Hà Nội, cũng lên đường cùng một hướng tiền phương, trong đó có những cậu học sinh lớp 10, không ít người vừa kịp tham gia kỳ thi tuyển học sinh giỏi của TP khi đã cầm trong tay tờ giấy gọi lên đường. Hầu hết trong số những cậu trai ấy sinh vào năm 1954, nhiều người chưa tròn 18.
Điều kỳ diệu là trong số hàng ngàn gia đình, hàng ngàn ông bố, bà mẹ nuốt nước mắt vào trong tiễn những đứa con măng tơ của mình lên đường ngày ấy, không ai đem luật ra để khiếu nại, để làm lý do giữ những đứa con dứt ruột đẻ ra ở lại với mình, để nó được ăn thêm một cái Tết đạm bạc thời chiến tranh, để được thấy nó miệt mài đèn sách cho kì thi cuối cùng của đời học sinh phổ thông…
Và cho đến bây giờ, đã hơn nửa thế kỷ, kẻ mất, người còn, có người đã nằm lại chiến trường mà chưa có niềm vui được cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông đặc cách, hết thảy đều thấy việc mình lên đường ngày ấy là một lẽ tự nhiên, lên đường như bao chàng trai từ những làng quê, xưởng máy.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng có một câu chuyện cũng đáng suy nghĩ. Đó là khi tìm tư liệu cho bài viết này, tôi có gõ vào công cụ tìm kiếm từ khóa: “Thanh niên Hà Nội nhập ngũ năm 1972”, kết quả là rất nhiều bài viết, thông tin về 10.000 sinh viên các trường đại học Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận. Trong khi đó, hầu như không có thông tin nào về những chàng trai sinh ra ở Hà Nội cũng lên đường ra trận vào thời điểm ấy. Vậy những Bình, những An, những Phúc… sinh năm 1954, cùng bao bạn bè của họ đang học dở dang năm cuối phổ thông có phải là xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ?
Và nếu như sinh viên các trường đại học khi may mắn trở về từ cuộc chiến được cánh cổng trường đại học rộng mở đón chào thì những người lính mới chỉ có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông đặc cách, việc vào đại học khó khăn hơn rất nhiều với những kiến thức đã phần nào hao hụt trong chiến tranh. Dù vậy, nhiều người trong số họ đã vượt qua để có mặt trên các giảng đường đại học trong nước và cả nước ngoài, đặng có năng lực mà đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô cùng đất nước.
Vậy mà đã hơn nửa thế kỷ, những đứa trẻ sinh trong thời điểm Thủ đô cùng cả nước hưởng những ngày hòa bình đầu tiên ấy năm 2024 này đã ở tuổi 70, được nhận quà mừng thọ của các cấp chính quyền, bà con khối phố cùng gia đình, dòng họ. Lứa lính trẻ Hà Nội được “vay” để lên đường vào năm 1972 ấy, ai còn thì giờ tóc đã hoa râm, có người đầu bạc trắng… Và cũng không ít người đã gục ngã trước gánh nặng cuộc sống và cả bởi những di chứng nặng nề của chiến tranh. Mỗi người một số phận, một công việc.
Nhiều người không có cơ hội trở lại với việc đèn sách. Dù ở cương vị nào, và làm công việc gì, đa phần những công dân Hà Nội nay đang ở tuổi Thất thập đều có thể tự hào rằng, không nhiều thì ít đã có đóng góp cho một Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển hôm nay. Và trong những vui buồn của dòng kỉ niệm mỗi khi có dịp gặp gỡ, chỉ thấy nhắc nhiều với sự tiếc thương những người bạn, người đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Tịnh không một lời ta thán về số phận hay sự thiệt thòi vì việc học hành dang dở. Càng không có ai nói năng to tát rằng, tôi hay chúng ta đã gác bút nghiên lên đường cứu nước…
Đơn giản là ngày ấy họ lên đường như một lẽ đương nhiên phải thế để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có Thủ đô thân yêu, nơi họ có vinh dự được sinh ra trong một thời khắc lịch sử, lớn lên và gắn bó suốt cuộc đời. Và đó cũng có thể được coi như một nét đẹp của người Hà Nội…
Đăng thảo luận