Noah Lyles giành HC vàng Olympic Paris 2024 khi được xác định đánh bại Kishane Thompson với khoảng cách 5/1.000 giây thông qua công nghệ của Omega.

Tại chung kết nội dung chạy 100 m nam tối 4/8, Lyles ngả người về đích với thời gian 9,784 giây, nhỉnh hơn Thompson (9,789 giây). Lyles cũng tưởng anh thua cuộc và đến chúc mừng đối thủ. Tuy nhiên, kết quả sau đó khiến nhiều người ngạc nhiên, khi độ chênh lệch giữa hai VĐV là 0,005 giây. Để so sánh, một cái chớp mắt của con người trung bình mất 0,1 giây, tức thời gian trên còn nhanh hơn việc chớp mắt 20 lần.

Công nghệ giúp xác định nhà vô địch Olympic thắng đối thủ 0,005 giây  第1张

Hình ảnh giúp xác định VĐV nào về đích đầu tiên tại Olympics Paris 2024. Ảnh: Omega

Việc có được con số chính xác tới phần nghìn giây là nhờ vào công nghệ Omega - công ty hiện giữ vai trò là "người bấm giờ" (Timekeeper) cho Thế vận hội. Trong số hơn 350 tấn thiết bị hiện đại mà công ty mang đến Olympic Paris 2024, bên cạnh hệ thống đếm giờ lượng tử Quantum Timer với độ chính xác 1/1.000.000, còn có chiếc camera lần đầu xuất hiện tại một kỳ Olympic: Scan'O'Vision Ultimate.

Scan'O'Vision Ultimate là hệ thống máy ảnh đo vạch đích mới nhất của Omega với khả năng chụp 40.000 bức ảnh kỹ thuật số mỗi giây, sau đó gửi về máy tính cho các chuyên gia trong phòng Computer Vision. Tại đây, AI sẽ tiến hành phân loại và xác định chính xác người thắng cuộc, với độ sai số từng mili giây. Nói cách khác, phương pháp này gần như không mắc sai sót trong việc xác định người thắng trong cuộc đua.

Omega lần đầu giới thiệu công nghệ máy ảnh đo vạch đích Scan'O'Vision năm 1992, sau đó cải tiến chất lượng hình ảnh và tốc độ xử lý. Đến những năm 2010, công ty đưa vào sử dụng hệ thống Scan'O'Vision Myria có thể ghi lại 10.000 ảnh kỹ thuật số mỗi giây, cũng như tốc độ khung hình và độ phân giải được tăng cường. Đến năm nay, Ultimate thay thế Myria.

Công nghệ giúp xác định nhà vô địch Olympic thắng đối thủ 0,005 giây  第2张

Hệ thống máy ảnh đo vạch đích Scan'O'Vision Ultimate. Ảnh: Omega

Về nguyên lý hoạt động, Scan'O'Vision vận hành bằng cách chụp một loạt lát cắt hình ảnh dọc hẹp liên tục tại vạch đích, thay vì chụp theo cách thông thường. Máy ảnh chuyên dụng này được định vị chính xác tại vạch đích và ghi lại hàng nghìn hình ảnh mỗi giây khi các vận động viên băng qua.

Cấu tạo Scan'O'Vision cũng không như máy ảnh bình thường, khi cảm biến chỉ gồm một cột pixel duy nhất, quét liên tục vạch đích, tạo nên hình ảnh tổng hợp theo thời gian. Kỹ thuật này cho phép tính thời gian cực kỳ chính xác, vì mỗi lát cắt đại diện cho một khoảnh khắc cụ thể. Hình ảnh kết quả hướng góc nhìn liên tục tới các VĐV về đích, được quét dựa trên tốc độ bước qua vạch đích của họ.

Hệ thống cũng tích hợp chức năng đo thời gian có độ chính xác cao, thường chính xác đến ±0,1 phần triệu, đồng thời mỗi lát cắt hình ảnh đều được đánh dấu thời gian chính xác. Sự kết hợp giữa ảnh tốc độ cao và thời gian chính xác cho phép người điều hành ở phòng máy xác định thứ tự hoàn thành của từng VĐV với độ chính xác đặc biệt, thường đến 1/1.000 giây hoặc thậm chí hơn.

Ngoài điền kinh, Scan'O'Vision còn ứng dụng cho các môn khác như đua ngựa, đua xe đạp, trượt băng tốc độ... Không chỉ chụp được ảnh ở nơi có độ sáng tốt, hệ thống còn cho hình ảnh và tính chính xác cao vào ban đêm hoặc những nơi có độ sáng yếu.

Bảo Lâm (theo Olympics.com, Perplexity AI, Axios)