Tôi phát hiện ra, sự giúp đỡ từ các bậc cha mẹ đến đôi trẻ quan trọng không kém các chính sách khuyến sinh.
Tháng trước, tôi mới về quê đi đám cưới đứa em họ. Chú rể 23 tuổi, cô dâu học chung lớp phổ thông. Tốt nghiệp cấp III, cả hai không lên thành phố như bạn bè mà ở nhà phụ giúp làm vườn, và vài việc lặt vặt.
Chú rể là em họ của tôi nói: "Không cưới lẹ (ý chỉ cô bạn chung lớp) thì ế vợ" vì "con gái bằng tuổi lên thành phố hết rồi".
Cưới xong, cả hai sống chung nhà cha mẹ. Đôi vợ chồng trẻ ở nhà, không đi làm, chẳng có lương, xài tiền cha mẹ cho nhưng tôi thấy cuộc sống rất "chill".
Nếu bỏ qua hết những kế hoạch về tương lai, cuộc sống của họ có phần nhẹ nhàng hơn một số bạn bè của họ, khi độ tuổi này vừa ra trường được một năm, đang thất nghiệp, đang tìm việc hoặc đang bị sếp mắng ở một công ty nào đó.
Đứa em đồng nghiệp của tôi nhiều lúc đi nhậu tâm sự: "Cuộc đời em hối hận nhất là lấy vợ, đẻ con lúc mới 27". Và giải thích "Em thấy mình vướng vào gia đình, nuôi con khi còn trẻ quá, chơi chưa đã".
Trong một diễn biến liên quan, độ tuổi kết hôn ở TP HCM vượt 30. Nếu so với thời các cụ chừng trăm năm trước, độ tuổi này là quá muộn. Nhưng dựa trên những thước đo về kinh tế, căn cứ theo độ tuổi này, một người chỉ có vỏn vẹn chưa đến chục năm để chuẩn bị tiền bạc, tài chính cho cuộc sống sau hôn nhân.
Lại nói về đồng nghiệp của tôi, bây giờ hai vợ chồng lại lo lắng tiền bạc cho con đi học, học cái gì, học ở đâu, đầu óc lúc nào cũng quay cuồng về tiền bạc. Nếu nhắm vào "chơi chưa đã", nhiều người sẽ bảo ích kỷ. Cũng đúng thôi, nhìn đám bạn còn độc thân cuối tuần đi Vũng Tàu, Đà Lạt chơi trong khi mình ở nhà phụ vợ chăm con, thì không hối hận mới lạ.
Như trường hợp đứa em họ 23 tuổi đã lấy vợ, dưới quê, độ tuổi này cũng đã phù hợp rồi. Đồng thời, thêm quan niệm "cưới vợ sớm cho yên ổn làm ăn" và họ sống tốt. Ngược lại, một người 27 tuổi sống ở thành phố lại hoang mang vì lấy vợ, sinh con.
Tóm tắt lại hai câu chuyện trên, một trường hợp sau cưới, cuộc sống tuy chưa có thành tựu nào, nhưng hôn nhân vẫn bình yên vì có sự trợ giúp và dìu dắt từ cha mẹ. Trường hợp còn lại, tự bươn chải nơi đất khách quê người, nên có phần hoang mang, lung lạc.
Vấn đề già hóa dân số là nỗi lo lắng không riêng ở Việt Nam, các nước phương Đông và phương Tây đối mặt với tình trạng này giống nhau.
Các chính phủ có thể giải quyết bằng chính sách như tặng tiền cho người sinh con như Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả dĩ.
Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không hướng đến truyền thống bấy lâu nay là ông bà, cha mẹ vẫn bên cạnh, giúp đỡ các con?
Đăng thảo luận